Công trình quốc phòng 723, tức sân bay dã chiến Libi đã được xây dựng như là một phần trong hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc chiến tranh chống Mỹ, cùng với các tuyến đường chiến lược 21, 22 trong hệ thống đường Trường Sơn. Để hiểu thêm về vai trò của sân bay này, cần đặt trong bối cảnh chiến tranh vào thời điểm đó, khi mà không quân đã được cả hai phía sử dụng.
Để các cuộc không kích được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, các sân bay dã chiến đã được xây dựng cả ở miền Nam và miền Bắc trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đây là những sân bay đơn giản, thường là một đường băng thô sơ được xây dựng trên một khu vực có địa hình bằng phẳng, chỉ cần đủ điều kiện để các loại máy bay chiến đấu cất hạ cánh.
Vào những thập niên 1966 - 1968, Sân bay Tà Cơn là một mắt xích quan trọng trong phòng tuyến Khe Sanh của Mỹ ở Quảng Trị, được xem là trung tâm chỉ huy của hệ thống căn cứ tại đây đồng thời là nơi tập trung nhiều binh lính, vũ khí và bố trí hỏa lực mạnh nhất ở Khe Sanh.
Toàn sân bay Tà Cơn giống như một lòng chảo với bốn bề là núi non, bên trong xây dựng rất quy mô, có sở chỉ huy, đài chỉ huy, đài liên lạc… cùng nhiều hệ thống công sự phòng ngự dày đặc, ở giữa là đường băng được lát bằng hàng ngàn tấm ri nhôm và ri sắt, là nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay chuyên vận tải quân sự hạng nặng, máy bay trực thăng chở quân và trực thăng vũ trang các loại.
Sân bay Tà Cơn được quân đội Mỹ xem như một pháo đài bất khả chiến bại. Nhưng trước sức mạnh những cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh của QĐND Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 07/1968, quân đội Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc mở cuộc rút quân chiến thuật bằng không quân nhằm cứu hàng nghìn lính Mỹ ra khỏi nơi đây. Buộc phải bỏ và phá hủy căn cứ, quân đội Mỹ đã thất bại hoàn toàn trên chiến trường Quảng Trị khi để cứ điểm rơi vào tay Quân Giải phóng. Sau ngày giải phóng, sân bay Tà Cơn không còn hoạt động mà trở thành nơi lưu trữ các hiện vật, chứng tích của cuộc chiến tranh.
Dấu tích đường băng sân bay Libi tại lòng hồ Kẻ Gỗ
Tại huyện A Lưới (Huế), trong giai đoạn từ 1957 đến 1965, Mỹ - Ngụy đã xây dựng các sân bay quân sự và sân bay dã chiến phục vụ cho mục đích chiến tranh, đàn áp các phong trào cách mạng của ta. Các sân bay trên địa bàn huyện rải rác khắp nơi như Hồng Thượng, Hồng Thái và sân bay Đông Sơn là sân bay quân sự quan trọng nhất của Mỹ đặt tại A Lưới.
Trong số này, sân bay A Co được xây dựng ở thôn Tà Vạt, xã Hồng Thượng, cách ngã ba Bốt Đỏ (ngã ba đường 72 - 14B) 2 km về hướng Tây Nam, cách thành phố Huế 72 km về hướng Đông theo đường 12 cũ. Từ năm 1963 đến 1964 dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và đồng bào dân tộc A Lưới cùng với Mặt trận giải phóng miền Nam nổi dậy khởi nghĩa đánh phá ấp chiến lược, đánh chiếm đồn Bốt Đỏ, sân bay A Co. Cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi to lớn, nhân dân A Lưới đã giành được sân bay A Co một cách nhanh chóng. Cuộc nổi dậy đã gắn liền với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kăn Đờm (Hồ Thị Đơm).
Sân bay A Cuốn thuộc địa phận xã Hồng Thượng nay là xã Hồng Thái. Sân bay nằm bên dòng sông A Sáp, giáp với ngã ba sông Tà Rình, được xây dựng năm 1960 của Mỹ - Ngụy để thực hiện chiến lược ngăn chặn tuyến hành lang Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, kiểm soát và ngăn chặn con đường liên lạc giữa A Lưới và đồng bằng.
Trong khi đó, sân bay A Lưới là sân bay có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, kinh tế của huyện, cách thành phố Huế 72 km về hướng Tây Bắc theo quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh. Sân bay được xây dựng vào tháng 8/1957, là trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ - Ngụy từ Đông sang Tây, chặn ngang mạch máu nối liền từ Bắc vào Nam của quân ta. Vì thế nó được Mỹ ưu tiên hàng đầu, nếu làm chủ được nơi này thì sẽ tạo điều kiện cho việc kiểm soát toàn bộ tình hình của huyện. Ngày 09/01/1965 từ các hướng bộ đội ta đã đồng loạt nổ súng tấn công đồn địch làm cho địch bất ngờ không trở tay kịp và chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã chiếm được sân bay A Lưới, giải phóng toàn bộ vùng đất từ Hồng Vân đến Hương Lâm tạo đà cho những thắng lợi tiếp theo.
Một sân bay khác là sân bay A So nằm trên địa phận thôn Sam, xã Đông Sơn cách đường Hồ Chí Minh 2km về phía Đông. Từ năm 1955 đến 1959 chính quyền Ngô Đình Diệm được tiếp sức của đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đồn bốt ở vị trí xung yếu ở A So, Bốt Đỏ, A Co... xây dựng trại tập trung dồn đồng bào ta vào trại, ấp chiến lược nhằm cô lập với cách mạng. Song càng đàn áp, càng cô lập thì tinh thần yêu nước càng trỗi dậy, không chịu khuất phục, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ nên các phong trào đấu tranh càng diễn ra mạnh mẽ và ngày càng rộng rãi.
Để đối phó lại, năm 1960 Mỹ tiến hành xây dựng sân bay A So ở khu vực này, nhằm tăng cường tiềm lực chống phá cách mạng, nhất là sự lớn mạnh của tuyến đường Hồ Chí Minh.
Về phía ta, sân bay Khe Gát tại Quảng Bình là một ví dụ điển hình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là tuyến đầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam. Nhận thức được điều này, Hải quân Mỹ liên tục cho tàu khu trục vào gần bờ bắn phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông ven biển Quảng Bình nhằm khống chế và uy hiếp các hoạt động trên biển và ven biển của ta, trong đó, các trọng điểm bắn phá chủ yếu gồm cửa Gianh, cửa Lý Hòa, Đèo Ngang, cửa Nhật Lệ.
Để đối phó với tình hình nói trên, cuối năm 1968, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng sân bay dã chiến với mật danh “B7” tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình để yểm trợ cho tuyến đường Trường Sơn đồng thời chia lửa cho sân bay Đồng Hới. Nhiệm vụ xây dựng sân bay được giao cho Tiểu đoàn 28 Công binh (nay là Lữ đoàn 28 Công binh thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân) cùng với sự giúp đỡ của quân dân địa phương và thanh niên xung phong xã Xuân Trạch. Sân bay được xây dựng trong điều kiện trinh thám rất ác liệt của các loại máy bay trinh sát như OV10, SR71 ngày đêm quần thảo trên bầu trời Trường Sơn. Với biết bao khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, sân bay dã chiến Khe Gát đã được hoàn với đường băng dài hơn 1,8 km, rộng 50m và có đường dẫn máy bay vào hang trú ẩn.
Ngày 18/4/1972, Đoàn Không quân Yên Thế được lệnh bí mật đưa máy bay vào Khe Gát. Hai chiếc MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) lái, đưa từ sân bay Kép về Gia Lâm, rồi từ đó vào Vinh và bí mật hạ cánh xuống sân bay Khe Gát trong đêm.
Chiều ngày 19/4/1972, Trạm rađa 403 ở Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) phát tín hiệu cảnh báo về một nhóm tàu chiến của Mỹ xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Lệ đến Bố Trạch. Nhóm tàu chiến này gồm các tàu: tuần dương hạm USS Oklahoma City, hai khu trục hạm là USS Higbee và USS Lloyd Thomat, cùng với tàu hộ tống tên lửa USS Sterett.
Đúng 16 giờ 05 phút, hai chiếc máy bay MiG-17 do các phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B từ sân bay Khe Gát xuất kích. Khi bay qua cửa Lý Hòa, phát hiện được mục tiêu, lúc 16 giờ 13 phút, được lệnh của chỉ huy từ mặt đất, Lê Xuân Dị nhanh chóng cắt bom vào chiếc tàu Khu trục hộ tống USS Higbee theo phương pháp ném bom “thia lia”. Tàu Khu trục hộ tống USS Higbee phát nổ, tạo nên một cột khói lớn, chiếc tàu bị thương nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy. Chiếc MiG -17 thứ 2 do Nguyễn Văn Bảy B tiếp tục bay vòng ra biển, khi đến gần cửa Dinh thì phát hiện đội hình địch. Nguyễn Văn Bảy B cho máy bay lướt qua phía trên tàu địch rồi vòng lại và cắt bom vào chiếc tàu Tuần dương hạm USS Oklahoma City, khiến chiếc tàu bị hỏng hệ thống ra đa cảnh giới và một ụ pháo trên boong. Hai phi công sau khi thực hiện nhiệm vụ đã quay trở về sân bay Khe Gát an toàn.
Chỉ khoảng 30 phút sau, các máy bay Mỹ từ tàu sân bay ngoài khơi bay vào đánh phá sân bay Đồng Hới. Ba ngày sau đó, Không quân Mỹ phát hiện ra sân bay Khe Gát và triển khai đánh phá dữ dội sân bay cùng tuyến đường 15A và các cụm dân cư ở xã Xuân Trạch.
Sân bay dã chiến Khe Gát có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành của Không quân nhân dân Việt Nam. Trận “không đối hạm” ngày 19/4/1972 là trận đánh đầu tiên mà MiG-17 của chúng ta tấn công chiến hạm Mỹ, khiến cho Hải quân Mỹ không dám đánh phá bờ biển Quảng Bỉnh trong nhiều tháng, đồng thời đã “chứng minh các phi công Việt Nam có thể làm chủ kỹ thuật, phát huy cao nhất tính năng của máy bay MiG, dũng cảm sáng tạo trong cách đánh, không chỉ dùng máy bay MiG lập công trong không chiến mà còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước theo nhiệm vụ được giao”.
Giờ đây, sân bay dã chiến Khe Gát đã không còn nguyên trạng, nhưng với trận “không đối hạm” huyền thoại và độc đáo ấy, sân bay Khe Gát đã trở thành là một trong những di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của hệ thống di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của quân và dân ta. Hiện nay, đường băng sân bay này vẫn còn tồn tại và một đoạn đường Hồ Chí Minh vẫn đang chạy trên đường băng này.
Trở lại với sân bay dã chiến Libi, do các tư liệu về sân bay này quá ít ỏi, hoặc vẫn đang được giữ bí mật nên hiện chưa rõ mối liên hệ với sân bay Khe Gát và các sân bay khác. Tuy nhiên, cuộc xuất kích từ Khe Gát diễn ra trong tháng 4/1972 và sau đó sân bay bị lộ, bị đánh phá nên việc sử dụng không còn khả thi, trong khi đó việc triển khai sân bay Libi được thực hiện từ tháng 9/1972, rất có thể là một giải pháp để thay thế?! Và trận không kích bi thảm ngày 7/1/1973 cũng hoàn toàn có thể là một đòn đánh phủ đầu của quân đội Mỹ nhằm chặn trước các nguy cơ tái diễn các vụ không kích của không quân Miền Bắc như đã từng thực hiện từ sân bay Khe Gát.
Bình An