Kẻ Gỗ là một công trình thủy nông lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay của nước ta. Đập chính vắt qua một đệm cát dày 17 mét, sâu 6,4 mét so với mặt biển. Dòng Rào Cái khi qua đây bị động Đót và mõm Choòng kẹp lại, buộc phải dẫn dòng qua cống chính. Hệ thống kênh mương vừa dài vừa trải ra trên một vùng chằng chịt sông suối. Tất cả những đặc điểm đó đòi hỏi những người thi công vừa phải có trình độ tay nghề cao, vừa phải có những trang thiết bị hiện đại.
Trước cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp dự kiến làm xong công trình trong 20 năm, với sức chứa lòng hồ 85 triệu mét khối nước, nhưng do kỹ thuật quá phức tạp họ làm hai năm rồi bỏ. Đến năm 1973 điều kiện kinh tế và kỹ thuật tiến bộ hơn trước, Đảng và Nhà nước ta duyệt cho phép tỉnh ta xây dựng công trình Kẻ Gỗ.
Phương án thiết kế đầu tiên dự kiến làm 10 năm với sức chứa lòng hồ 345 triệu mét khối nước. Khi xét do yêu cầu cấp bách nước tưới cho đồng ruộng Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Hội đồng Chính phủ rút xuống còn 6 năm. Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Nhất là sau khi hợp tỉnh, với thế mới, lực mới, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh xin rút thời gian thi công xuống 3 năm.
Đầu năm 1976, thời gian chuẩn bị đã hết, vậy mà các lực lượng thi công cơ giới còn nằm ngoài Bắc Thái, Hà Sơn Bình. Nhà cửa, lán trại, đường sá, cát sỏi... hầu như chưa có gì. Các thủ tục xây dựng cơ bản như đồ án thiết kế, dự toán... cũng chỉ mới chuẩn bị được một số. Bộ máy chỉ huy, phương pháp thi công... cũng chưa có. Tất cả những công việc chuẩn bị cho thi công đã có làm, nhưng chưa được bao nhiêu. Do yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống 3 năm nên mọi mặt chuẩn bị cho thi công lớn gấp bội.
Đập chính hồ Kẻ Gỗ
Phải đưa những cỗ máy nặng ba bốn chục tấn vào hiện trường. Phải có ngay 3 vạn mét vuông nhà ở cho công nhân. Phải có ngay một vạn mét khối sỏi trong quý I-1976 để phục vụ xây lắp. Vậy mà cầu cống trên các ngã đường vào Kẻ Gỗ chỉ chịu được những cỗ máy nặng 10-15 tấn trở xuống. Trong lúc ấy nửa năm Công ty xây lắp mới làm được 2.000 mét vuông nhà ở...
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao giai cấp công nhân các đơn vị tham gia thi công kẻ gỗ biểu tượng rực rỡ của sức mạnh tổng hợp trên mặt trận xây dựng cơ bản đã tìm cách đưa máy móc, thiết bị vào hiện trường an toàn. Các đơn vị cơ giới hạng nặng từ Đập Đáy, Núi Cốc, Thường Tín, Hải Phòng, Vệ Vừng đã mở cuộc hành quân thần tốc vào Kẻ Gỗ. Có chặng máy phải đi trên đò dọc. Có nơi, thợ lái máy tự gia cố thêm cầu cho xe vượt qua. Có lúc, họ tháo rời và đưa từng bộ phận qua cầu, xong lại lắp lại và tiếp tục hành quân. Cuối tháng 3 năm 1976, khi công trường chính thức làm lễ khởi công, toàn bộ lực lượng cơ giới của hai công ty thủy lợi 3, thủy lợi 4 của Bộ và ba công ty của tỉnh đã có mặt đông đủ ở Kẻ Gỗ.
Cũng trong những ngày đó, giai cấp nông dân tập thể hai huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà mở chiến dịch làm nhà theo yêu cầu của tỉnh. Bằng tranh tre nứa, mét của mình trong vòng không đầy một tháng đã dựng lên ở khu đầu mối 5 vạn mét vuông nhà ở, vượt xa con số mà Bộ yêu cầu. Từ việc làm nhà cửa chuyển sang sản xuất cát sỏi. Từ đầu mối, xuống kênh mương, lớp lớp nông dân ào ạt tiến vào Kẻ Gỗ. Vừa giải quyết những yêu cầu cấp bách của công trường, vừa sắp xếp đội ngũ, ổn định tổ chức tham gia xây dựng lâu dài.
Viện thiết kế thủy lợi, viện khoa học thủy lợi... cử cán bộ vào công trường nghiên cứu giải quyết từng bản vẽ, từng biện pháp kỹ thuật. Ngành nội thương lập hẳn cả một khu thương nghiệp phục vụ công nhân. Các ngành sách, báo chí, nội chính... cũng đưa lực lượng và phương tiện vào phục vụ lâu dài ở Kẻ Gỗ.
Từ những hoạt động tự giác và độc lập của các cấp, các ngành, các đơn vị, Kẻ Gỗ đã đi dần vào thế trận thi công đồng bộ. Từ đầu mối đến kênh mương, từ xây lắp đến đào đắp, thi công tập trung, dứt điểm từng hạng mục công trình. Việc thi công có sự phân công và hợp tác giữa trung ương với địa phương, giữa thủ công với cơ giới, giữa các lực lượng tập trung thường xuyên trên công trường và các lực lượng lao động huy động đột xuất, giữa hai bên A và B... Với cách thi công đó các hạng mục công trình mọc lên rất nhanh, tạo thế liên hoàn khép kín ngay từ đầu cho phép đưa công trình vào khai thác ngay trong khi còn xây dựng.
Gần ba tháng, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4-1976, Kẻ Gỗ đã ổn định việc tổ chức, chuẩn bị đủ điều kiện thi công. Cùng thời gian ấy bộ máy chỉ huy, phương pháp chỉ đạo thi công cũng được hình thành. Đó là thắng lợi bước đầu hết sức cơ bản, báo trước Kẻ Gỗ sẽ là công trường của thời kỳ mới. Đó còn là biểu hiện sự nhạy bén về chính trị, nắm vững thời cơ và tinh thần làm chủ tập thể của các cấp, các ngành từng cá nhân đơn vị trên công trường.
Tham gia xây dựng Kẻ Gỗ, về cơ giới, có hai công ty thủy lợi 3 và thủy lợi 4 của Bộ và công ty xây dựng thủy lợi số 2 của tỉnh. Về lực lượng thủ công, thường xuyên trên công trường có một vạn đội viên đội thủy lợi “202” thuộc 400 đội, 19 tổng đội và hàng vạn lượt người huy động đột xuất từ các hợp tác xã, các khu phố, các cơ quan, xí nghiệp trường học, đơn vị bộ đội.
Lúc đầu hai công ty của Bộ nhận thi công các công trình đầu mối. Các đơn vị của tỉnh làm hệ thống kênh mương. Các đơn vị chuyên nghiệp làm các công trình kỹ thuật phức tạp, còn các tổng đội “202” làm kênh mương. Qua vài tháng thi công thấy sự phân công đó chưa hợp lý. Các công ty cơ giới thiếu lao động thủ công để giải quyết những công việc máy móc không với tới. Trái lại lao động thủ công thiếu phương tiện cơ giới để hoàn thành một số công việc đòi hỏi chất lượng kỹ thuật cao. Công trường đã điều chỉnh lại cho hợp lý, hai công ty của Bộ làm thêm cho tỉnh 10 ki-lô-mét kênh chính, trong đó có hai cầu móng lớn. Ngược lại các đơn vị của tỉnh cung cấp lao động thủ công cho các công ty cơ giới. Sự hợp tác xã hội chủ nghĩa này đã tạo nên sự hợp tác rộng lớn giữa máy và người, giữa tổ chức kinh tế toàn dân với tổ chức kinh tế tập thể. Ở đầu mối, lao động thủ công có mặt ở khắp nơi và làm đủ các thứ công việc: đổ bê tông, ghép tấm lát, tiếp dầu, sửa chữa đường sá, bến bãi, kho tàng. Ở kênh mương máy giúp người xăm đầm, bạt mái... Sự hợp tác sâu rộng giữa người và máy đã đưa đến những phương pháp thi công mới. Công ty xây dựng thủy lợi 3, áp dụng phương pháp nổ mìn om, phá vỡ hàng chục vạn mét khối đá trong một thời gian ngắn mà không làm rạn nứt móng công trình. Công ty xây dựng thủy lợi 4 cải tiến công thức pha trộn dung dịch Bentônít, cho phép dùng nguyên liệu tại chỗ, vừa tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục vạn đồng lại vừa rút ngắn được thời hạn xử lý vực Choòng và túi cát. Công ty xây dựng thủy lợi 2 lần đầu tiên sáng tạo ra phương pháp thi công kênh ba tầng, khai thác tối đa năng lực thiết bị xe máy, đỡ cho lao động thủ công rất lớn...
Hình thức tổ chức và phương pháp thi công mới đã tạo nên những năng suất lao động mới. Trong một tháng công ty xây dựng thủy lợi 3 đổ 2.500 mét khối bê tông, công ty xây dựng thủy lợi 4 đưa lên đập chính 350.000 mét khối đất bằng khối lượng hàng quý trước đây của các công ty này. Trong vòng không đầy 10 tháng, Công ty xây dựng thủy lợi 2 làm xong máng Rào Cái, cầu máng lớn nhất, dài nhất từ trước đến nay của ngành thủy lợi Việt Nam, vượt thời gian quy định 3 tháng. Các đội “202” cũng trưởng thành vượt bậc. Lần đầu tiên lao động thủ công xây dựng được những công trình bằng đất có dung trọng 1,6 tấn mỗi mét khối. Tổng đội “202” Hương Khê xây dựng một loạt cống tiêu lớn trên nền cát chảy trước đây các công ty chuyên nghiệp mới làm được.
Công trường Kẻ Gỗ mở ra giữa lúc vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm có khó khăn. Để có đủ vật tư, nhiên liệu... phục vụ cho công trường, các đơn vị cung ứng, phục vụ đã đáp ứng tốt những nhu cầu của công trường. Để có thép CT5 cho công trường, Công ty vật tư kỹ thuật tỉnh phải bỏ tiền thuê máy móc thiết bị dở 1.200 tấn hàng của mình.
Cán bộ cung ứng của tỉnh còn rải khắp Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... và tổ chức từng đợt tiếp nhận khẩn trương vận chuyển vật tư thẳng vào công trường. Có thời điểm thiếu xăng dầu, tỉnh phải rút bớt các nhu cầu khác để chi viện cho Kẻ Gỗ. Ngành ngoại thương mở chiến dịch thu mua nông sản để đổi sắt thép cho công trường. Tỉnh ủy hoãn việc xây dựng một số công trình chưa cần để dành xi măng cho Kẻ Gỗ. Nhu cầu lương thực, thực phẩm cũng được giải quyết tốt, công nhân công trường dùng hết các ô trong phiếu thực phẩm của mình. Rạp chiếu bóng Kẻ Gỗ cũng được cung cấp một chương trình phim như các rạp ở thành phố Vinh...
Song song với việc chạy hàng, tỉnh thường xuyên cải tiến chế độ phân phối bảo đảm dù bất cứ trường hợp nào, vật tư, hàng hóa cũng được ưu tiên cho các công trình trọng điểm. Mùa hè 1976, toàn bộ dầu máy chỉ dành cho các đơn vị thi công các công trình đầu mối, xi măng, sắt, thép 6 tháng cuối năm 1976 chỉ dành cho công ty 3 và công ty 4 là hai đơn vị làm cống chính và máng Cầu Na...
Sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta để bảo đảm hậu cần cho các đơn vị đẩy nhanh tốc độ thi công từ đầu mối đến kênh mương, đã tác động sâu sắc đến các cơ quan Trung ương giúp tỉnh ta xây dựng nhanh công trình Kẻ Gỗ.
Một số vấn đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Sau khi được chấp nhận việc thi công công trình Kẻ Gỗ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban đại diện tại công trường đã bám sát tiến độ thi công, dự kiến các tình huống phức tạp mới, chỉ đạo các đơn vị vào những thế trận mới, tạo ra thời cơ mới, nhằm dứt điểm từng hạng mục công trình, rút ngắn hơn nữa thời gian thi công.
Kẻ Gỗ là một hệ thống nhiều công trình, trong đó một số hạng mục công trình như cống chính, đập chính, tràn xả lũ, máng Rào Cái cũng đã bằng một công trình thủy lợi lớn nơi khác. Các đơn vị thi công, phục vụ vừa đông vừa dàn trải. Việc tổ chức chỉ huy các lực lượng đó thi công ở đâu, thi công thế nào... để đạt được mục tiêu nhanh, đồng bộ, dứt điểm... là cả một vấn đề vô cùng phức tạp.
Việc đầu tiên là công trường chọn mũi tiến công chủ yếu, công trình đó sau khi được xây dựng sẽ kéo một loạt công trình khác cũng được xây dựng theo. Thời kỳ đầu, mũi đó được đặt vào hệ thống kênh mương. Trước đây ngành xây dựng cơ bản thủy lợi thường xây dựng công trình đầu mối trước, sau đó mới làm kênh mương. Trong hệ thống kênh mương, kênh chính làm xong trước. Ở Kẻ Gỗ, cách làm đó bị đảo lộn, hệ thống kênh cấp 1 được xây dựng xong trước kênh chính.
Cách làm này buộc các đơn vị thi công các công trình đầu mối phải vươn lên để đáp ứng với phương châm vừa xây dựng “vừa phát huy tác dụng”. Việc Công ty 4 hợp long và Công ty 3 mở nước vào đầu năm 1977 được xem như là kết quả của việc chọn mũi tiến công chủ yếu lần thứ nhất. Kết quả đó còn là mũi đột phá cho một thời kỳ làm ăn mới của Kẻ Gỗ. Sau sự kiện này, Kẻ Gỗ luôn luôn ở thế tiến công. Một loạt công trình trọng yếu của đập chính như chân đanh, sân tiêu năng... được hoàn thành bằng cách làm đó.
Sau khi xử lý xong chân đanh, một đòi hỏi lớn được đặt ra là phải tích nước để phục vụ sản xuất. Từ cuối 1977 lại nay, mũi tiến công chủ yếu này là “điểm nóng” của công trường Kẻ Gỗ. Lúc này, trên đồng ruộng đang có phong trào mở rộng hệ thống kênh mương để khai thác kịp thời và hợp lý 140 triệu mét khối nước trong lòng hồ.
Sau khi có mục tiêu chủ yếu, vấn đề có tính chất quyết định là tập trung lực lượng Kẻ Gỗ đã có lúc tập trung 2 vạn người trong một vùng nhà cửa của dân chỉ chứa nổi 3.000 người. Thời kỳ xử lý vực Choòng, tỉnh đã đưa toàn bộ lực lượng máy bơm nước vào đây để phục vụ cho Công ty 4 hoàn thành nhiệm vụ.
Ở Kẻ Gỗ không có một ban chỉ huy chung như ở các công trường khác mà có hai ban đại diện Bộ Thủy lợi và Ủy ban nhân dân tỉnh. Tất cả các ban này đều đóng ngay ở công trường. Phía dưới đại diện của bộ và tỉnh có các ban A và B.
Bình thường, các ban B theo các hợp đồng đã ký với ban A mà hoạt động. Hai ban đại diện chỉ theo dõi tình hình dự kiến các mục tiêu chiến dịch và phối thuộc hành động của các lực lượng thi công phục vụ để đạt các mục tiêu đó. Khi có việc các tổ chức này cộng tác với nhau lập ra các tổ chức chỉ huy chung, như hội đồng mở nước, ban chỉ huy chống bão lụt... hoạt động trong một thời gian nhất định, nhằm giải quyết một công việc nhất định. Thoạt nhìn cách tổ chức chỉ huy này có cái gì như là rời rạc, bị động, nhưng thực ra đó là cách tổ chức chỉ huy sáng tạo, thích hợp với tình hình ở Kẻ Gỗ.
Một điều đặc biệt, gần ngày khởi công, Kẻ Gỗ mới có chủ trương rút thời gian thi công xuống 3 năm. Với chủ trương đó, các lực lượng cơ giới, hàng vạn lao động thủ công ào ạt kéo về công trường. Hệ thống chỉ huy cũ trước đây không đủ sức quản lý nữa. Từ đó hình thành hình thức tổ chức mới, cách làm ăn mới. Mỗi đơn vị được giao thi công công trình này thì ký hợp đồng với ban A.
Sau khi công trường kênh của tỉnh giải thể, nhiệm vụ xây dựng kênh mương bàn giao lại cho các tổng đội “202”. Những tổng đội này chuyển từ chế độ dân công sang chế độ hạch toán, kinh doanh. Toàn công trường hoạt động hoàn toàn theo chế độ hạch toán kinh doanh, xóa bỏ chế độ quản lý hành chính.
Do không phải tính toán lỗ lãi trong sản xuất, kinh doanh nên các ban đại diện có điều kiện theo dõi nghiên cứu những công việc có ý nghĩa toàn cục. Nhờ đó mà Bộ và tỉnh đã phát hiện và nắm bắt kịp thời những vấn đề mới xuất hiện thường xuyên trên công trường. Dự kiến và khắc phục từ xa những khó khăn mà công trường sẽ gặp phải.
Trong khí thế sục sôi thời ấy, ai cũng cố gắng về đích trước thời gian. Qua hai năm sau khi công trình Kẻ Gỗ đã làm sáng tỏ một trong những luận điểm lớn của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ tư rằng: Đất nước ta có thể hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội trong vòng 15-20 năm. Chính vì vậy mà ngay từ đầu, Kẻ Gỗ đã có một tiếng vang rất lớn trong cả nước.
(Nguồn: Đại Thủy nông Kẻ Gỗ: Bốn mươi năm xây dựng và phát huy hiệu quả)
Nguyễn Hoàng Trạch
Nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh