Hồ Kẻ Gỗ, nằm trên địa phận Hà Tĩnh, không chỉ là một công trình thủy lợi quan trọng mà còn lưu giữ trong lòng mình những dấu tích bi tráng của một thời chiến tranh khốc liệt. Ít ai biết rằng, nơi đây từng là chiến trường ác liệt, nơi bom đạn B52 trút xuống, nơi những người lính, thanh niên xung phong đã đổ máu để xây dựng và bảo vệ tuyến đường huyết mạch thông xe vào tiền tuyến.

     Giờ đây, ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, dưới lòng hồ Kẻ Gỗ vẫn còn đó những di tích, những hài cốt của các chiến sĩ chưa xác định thông tin, của những con người đã làm nên huyền thoại.

Vóc dáng một cung đường huyền thoại

Ngã ba Thình Thình, nơi giao nhau giữa đường chiến lược 21 và đường 22, từng là một điểm trọng yếu trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Không có tài liệu chính thức nào ghi chép về địa danh này, nhưng trong dân gian, những câu chuyện vẫn còn được truyền miệng như một huyền thoại.

Tương truyền, trong phong trào Cần vương, cụ Nguyễn Hữu Lương (quê ở xã Thạch Thượng, Thạch Hà) là tướng quân của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Trong một trận đánh, ông bị giặc Pháp bắt, giam ở một nhà lao thuộc Quảng Bình. Tướng quân cùng một số quân sĩ vượt ngục, men theo đường mòn dọc mép sông Ngàn Sâu bên sườn đông dãy Trà Sơn về quê.

Dọc đường đi, ông đã bị cọp vồ. Các quân sĩ đem thi hài ông về quê an táng, trên đường đi họ đã dừng chân nghỉ qua đêm tại một ngã ba nằm lọt giữa hai vách núi dựng đứng. Buổi sáng thức giấc, mọi người bàng hoàng vì chỗ đặt thi hài tướng quân giờ đây đã thành một đụn đất cao chất ngất. Các quân sĩ bụng bảo dạ rằng tướng quân đã chọn nơi đắc địa để yên nghỉ nên mọi người thắp hương lên gò đất cầu nguyện cho linh hồn ông được siêu thoát nơi đại ngàn.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cách đây ít năm, con cháu tướng quân nay thành danh tri ân tiên tổ đã nhờ các nhà ngoại cảm tìm được đúng vị trí cụ yên nghỉ, xây cất đền thờ, tượng đài, lăng mộ uy nghi, tạo nên một không gian thật lãng mạn bên khe suối giữa núi rừng.

DJI 0507

Dấu tích đường băng sân bay Libi tại lòng hồ Kẻ Gỗ

Nếu ai đó đứng tại khu mộ tướng quân Nguyễn Hữu Lương phát ra một tiếng động nhỏ, hai bờ vách núi sẽ vọng âm trở lại thình thình bên tai. Có lẽ vì thế, những người dân địa phương mới đặt tên cho ngã ba đường mòn này là ngã ba Thình Thình, con suối chạy quanh khu mộ tướng quân là suối Thình Thình.

Con đường mòn năm xưa những nghĩa sĩ Cần vương từng vượt ngục từ Quảng Bình về Hà Tĩnh ngót một thế kỷ sau được Bộ Giao thông vận tải chọn mở đường chiến lược mang tên 21. Tuyến đường bắt nguồn cách ngã ba Khe Giao khoảng 1 km vào đến Tân Ấp, đường 21 chạy gần như song song với đường 15 có từ thời thuộc Pháp.

Đầu năm 1965, các tuyến đường ngày đêm bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt với mưu đồ cắt đứt quốc lộ 1A tại Đèo Ngang (Hà Tĩnh) và vùng Địa Lợi - Chu Lễ trên đường 15A. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải chủ trương giành thế chủ động trong vận tải, bằng cách mở thêm các tuyến đường song song để tránh các trọng điểm đánh phá của địch, đồng thời đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1966, Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở đường 22.

Giữa năm 1965, một lực lượng lớn gồm cán bộ, bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến từ các huyện trong tỉnh như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đội thanh niên xung phong (TNXP) 53, TNXP các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Công ty Đường bộ 4 - Bộ GTVT, Cục Công trình 1, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành… đã được huy động, dồn sức mở con đường huyết mạch mang biệt hiệu đường tỉnh 22.

Trên cung đường này, ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Thạch Điền, Thạch Hà), cách Khe Giao hai chục km về phía Đông Nam – là nơi giao nhau của đường chiến lược 21 và đường 22. Đường 22 có chiều dài khoảng 65 km được mở sau khi đường 21 đã khai thông, đường khởi phát từ ngã ba Thình Thình chạy qua hồ Kẻ Gỗ vào đến Quảng Bình nhằm phá thế độc tuyến cho đường số 1.

“Con đường máu” trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Những tư liệu lịch sử cho thấy, để hoàn thành tuyến đường 22 vào tháng 10 năm 1965, một lực lượng lớn gồm cán bộ, bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến từ các huyện trong tỉnh như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đội thanh niên xung phong (TNXP) 53, TNXP các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Công ty Đường bộ 4 - Bộ GTVT, Cục Công trình 1, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành… đã được huy động, dồn sức mở con đường huyết mạch mang biệt hiệu đường tỉnh 22.

Đến cuối 1970 đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 cơ bản hoàn thành thông suốt, đảm bảo cho hàng ngàn lượt xe vận tải, quân đội của ta vào tiền tuyến an toàn. Đường có điểm bắt đầu từ kilômét 18+600 tại Ngã ba Thình Thình (giao nhau với đường chiến lược 21), thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) rồi chạy qua các xã Kỳ Tây, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), sau đó kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Một trong những dấu ấn đặc biệt trên con đường này chính là sân bay dã chiến Libi. Nhận thấy khu vực phía Tây Nam Hà Tĩnh có nhiều khu đất bằng phẳng nằm dưới chân núi, các lực lượng quốc phòng đã chọn nơi đây làm sân bay dã chiến phục vụ chiến tranh. Tuy nhiên, vào cuối năm 1972, sân bay bị phát hiện và hứng chịu những trận rải bom hủy diệt của B52 Mỹ. Chỉ trong một đêm, hàng trăm chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh.

Trong hồi ký của ông Mai Văn Khải, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Hà Nam, có đoạn ghi lại trận đánh ngày 2/9/1968: “Mới 9 giờ sáng, một đàn máy bay Avazi lượn quanh khu vực Đá Bạc, phát hiện có Tiểu đoàn Tên lửa của ta đang hành quân về bảo vệ đường, cầu. Chúng lập tức oanh tạc dữ dội. Nhiều khẩu pháo bị phá hủy, nhiều pháo thủ hy sinh. Đơn vị TNXP C362, C358, C353 cùng nhân dân địa phương đã không ngại hiểm nguy, lao vào cứu thương binh, vận chuyển thi thể liệt sĩ. Riêng trận đó, gần 60 người đã hy sinh, nhiều người khác bị thương”.

Bà Nguyễn Thị Đàn từng là thanh niên xung phong thuộc Công ty Đường bộ 4 của Bộ GTVT (trú xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tham gia mở đường, xây dựng sân bay Libi trên tuyến đường 22 này hiện còn sinh sống tại tại Cẩm Bình, Cẩm Xuyên - chính ngày đó bà bị B52 của Mỹ cướp đi một cánh tay nhớ lại: “Thời gian đó tôi được điều động vào làm tại sân bay Libi, ban ngày thì gánh cây mua cây sim xuống ngụy trang sân bay, ban đêm thì mang đi cất để các đơn vị thi công lu lèn.

Khoảng 3h sáng 7/1/1973 khi đang nghỉ tại lán sau buổi làm việc, nghe tiếng bom nổ và tiếng hô hoán, tôi vừa kịp vén màn bước xuống thì bỗng nghe buốt trong người. Nhìn xuống thì một cánh tay đã bị bom cắt lìa. Không kịp kêu lên một tiếng, tôi vội trườn xuống hầm bởi loạt B52 đã xé tan căn lán mà tôi và đồng đội đang trú.

Ngất đi vì đau đớn và tiếng bom B52 nổ bên tai, sáng ngày hôm sau tôi mới tỉnh dậy sau khi được sơ cứu. Trận đó, đồng đội hy sinh nhiều quá. Người xếp nằm thành hàng dễ có đến cả trăm, đó là chưa kể có những đồng chí không còn tìm thấy xác”.

Theo các nhân chứng sống kể lại, trận bom vào rạng sáng ngày 7/1/1973 chính là trận oanh tạc cuối cùng của quân Mỹ tại khu vực này. Và đó có lẽ là một trong những cuộc tập kích cuối cùng trên đất Việt Nam, bởi vì chỉ hai mươi ngày sau, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết và từ thời điểm đó, “chiến trường” thực sự chỉ còn diễn ra trên đất miền Nam.

Di sản còn lại

Dù đã qua nhiều thập kỷ, nhưng những câu chuyện về đường 22 và sân bay Libi vẫn còn đó, như một ký ức bi tráng về những ngày tháng ác liệt. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các tài liệu chính thức về tuyến đường này vẫn còn hạn chế. Những gì còn sót lại chủ yếu là lời kể của các nhân chứng, những ký ức chưa được ghi chép đầy đủ.

Ngày nay, lòng hồ Kẻ Gỗ phẳng lặng che phủ lên những trận địa xưa, nhưng mỗi người dân nơi đây vẫn nhớ về một thời kỳ hào hùng của cha ông. Những ngọn núi, những con suối, những cung đường len lỏi giữa đại ngàn vẫn mang trong mình những câu chuyện huyền thoại.

Những câu chuyện huyền thoại về con đường 22, về sân bay LiBi, về ngã ba Thình Thình sẽ mãi là ký ức hào hùng, nhắc nhở thế hệ sau về sự hy sinh vĩ đại của cha ông vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Và mỗi khi tiếng gió rít qua những khe đá của ngã ba Thình Thình, người ta lại tưởng như nghe thấy nhịp thình thình của lịch sử vọng về.

Văn Tuân