Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa trên 50 năm; Nhưng những ký ức của một thời đạn bom đánh Mỹ thì còn đang lưu giữ mãi trong những con người đã và từng đi qua chiến tranh, những người đã trực tiếp xây dựng những con đường huyền thoại, sân bay dã chiến; Đặc biệt là với bà Lê Thị Kim Nhơn, ở thành phố Hà Tĩnh, một cựu TNXP đã tham gia xây dựng con đường 22 và sân bay dã chiến, từng thoát nạn trong trận bom rải thảm B52 những năm tháng chiến tranh, bà từng tâm sự:
“Tôi nhớ mãi Libi dã chiến
Trên con đường chiến lược 22
Nơi đây địch đánh B 52
Cướp nhiều tính mạng đổ nhiều máu xương
Hoá thành một bãi chiến trường
Xương rơi máu chảy đỏ đường 22
Thế hệ trẻ nay mai phải biết
Nỗi đau này khắc nhớ ghi tâm
Quyết không đổi dạ thay lòng
Cùng nhau bảo vệ non sông đến cùng”
Libi dã chiến là gì? Con đường chiến lược 22 ra sao? Tại sao đế quốc Mỹ lại rải thảm bom B52 trên vùng đất này? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta trở lại lịch sử của những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Bị thất bại liên tiếp và nặng nề trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đem hàng vạn quân chủ lực vào chiến trường miền Nam. Đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Dấu tích đường băng Sân bay Libi tại lòng hồ Kẻ Gỗ
Đầu năm 1965, với mưu đồ chặn đứng và cắt đứt Quốc lộ IA tại Đèo Ngang- Hà Tĩnh và vùng Địa Lợi, Chu Lễ thuộc huyện Hương Khê trên đường 15A, suốt ngày đêm các tuyến đường này liên tục bị đế quốc Mỹ đánh phá hết sức ác liệt. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trương giành thế chủ động trong vận tải, bằng cách mở thêm các tuyến đường song song, để tránh các trọng điểm đánh phá của địch, đồng thời bảo đảm chi viện kịp thời cho chiến trường. Để giải toả các ách tắc trên các tuyến đường 15A, 15B, đặc biệt là phà Địa Lợi, nơi đế quốc Mỹ liên tục đánh phá và hàng loạt những cầu xung yếu trên tuyến đường 15 và đường tránh Đèo Ngang, thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông vận tải, Ty Giao thông Hà Tĩnh đã tổ chức khảo sát thiết kế và tổ chức lực lượng tham gia mở đường mới 21. Đường khởi đầu từ Khe Giao men theo núi Trà Sơn đến Thình Thình, dọc hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào Tân Ấp (tỉnh Quảng Bình). Sau khi thông xe, đã tạo tuyến vận tải vô cùng quan trọng hỗ trợ cho Quốc lộ IA và Quốc lộ 15.
Tuy nhiên, cuối năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá ác liệt xuống Quốc lộ IA để ngăn chặn những đoàn xe vận tải vào Quảng Bình, Bộ Giao thông vận tải quyết định mở tiếp đường 22. Tuyến đường với chiều dài khoảng 65km, khởi đầu từ Ngã ba Thình Thình thuộc xã Thạch Điền (huyện Thạch Hà) đi qua vùng Kẻ Gỗ vào các xã Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) đến huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Các lực lượng tham gia xây dựng trên tuyến đường gồm 4 Tổng đội TNXP từ ngoài Bắc vào và bộ đội chủ lực với trên 6.000 người. Tuyến đường đi qua lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay dài khoảng 25km. Sau 3 tháng thi công trong điều kiện vô cùng gian khổ khó khăn, nỗ lực chặt cây, mở lối, xẻ đồi, đào đất đá, tuyến đường 22 đã được thông xe, phục vụ vận tải thông suốt, kịp thời đưa hàng hoá và vũ khí vào chiến trường.
Trong những tháng năm 1966-1972, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá vào các trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như Ngã ba Đồng Lộc, xã Tiến Lộc- Cầu Già thuộc huyện Can Lộc - Thạch Hà, phà Linh Cảm huyện Đức Thọ và dọc Quốc lộ 1A trên các huyện thị của Hà Tĩnh, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Tất cả các tuyến đường dọc Quốc lộ 1A, 15A, 15B đều bị địch đánh phá, băm nát và cắt đứt. Để chống lại, quân và dân Hà Tĩnh với khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc”, quyết tâm mở đường thông xe vào chiến trường. Cho nên chúng ta đã bí mật mở rất nhiều tuyến đường và xây dựng các căn cứ kho tàng quân sự, sân bay dã chiến để tiếp nhận hàng hoá và sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không. Sân bay dã chiến Libi đã ra đời trong bối cảnh đó.
Nhận thấy ở khu vực Động Nậy- khe Mụ Cài, trên đầu nguồn khe nước suối có tên Libi ở xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên, cạnh đường chiến lược 22 có một thung lũng rất rộng lại bằng phẳng, xung quanh có rừng núi bao bọc. Cho nên vào ngày 30/9/1972, được sự chỉ đạo của Bộ quốc phòng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức xây dựng sân bay dã chiến mang tên Libi (manh mật danh Công trình 723) và điều động 92 công nhân xây dựng từ các đơn vị ở thị xã Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà và 36 công nhân của Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành lúc bấy giờ, do ông Đinh Trương Đôn, Giám đốc xí nghiệp vôi Đò Điệm làm Đại đội trưởng chỉ huy vào phối hợp với các đơn vị của Bộ Tư lệnh công binh tổ chức thi công. Việc xây dựng sân bay rất khẩn trương, ban đêm bộ đội công binh lái máy ủi, máy xúc, máy lu san lấp đất đá, tạo thành một đường băng dài 1,6km, rộng 30m, đảm bảo vừa đủ cho máy bay quân sự cất và hạ cánh. Đến mờ sáng thì công nhân xây dựng lên rừng chặt lá, cây sim, cây mua về đặt phủ mặt đường băng để nguỵ trang, tối đến cần thi công chỗ nào thì các chị công nhân lại dọn cây lá. Sau gần 4 tháng xây dựng sân bay Libi đã cơ bản hoàn thành. Đây là sân bay dã chiến nhằm phục vụ cho chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên, đặc biệt có nhiệm vụ quan trọng trong việc chống lại chiến dịch Lam Sơn- 719 của Mỹ - nguỵ, một chiến dịch leo thang với âm mưu lập vành đai lửa cắt đứt tuyến đường vận chuyển từ Đèo Ngang sang Lào, nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Chính vì vậy ngay sau khi phát hiện sân bay Libi, vào lúc 3 giờ sáng ngày 07/1/1973, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc rải thảm bom B52 đầy khốc liệt ở khu vực này; Và có lẽ đây là một trong những cuộc tập kích cuối cùng và gây tổn thất lớn cho quân dân Hà Tĩnh, bởi chỉ 20 ngày sau, ngày 27/1/1973 Hiệp định Pa-ri được ký kết, chấm dứt chiến tranh trên miền Bắc và từ thời điểm đó cuộc chiến chỉ còn diễn ra trên đất miền Nam. Cuộc ném bom rải thảm này đã giết hại 32 người và 48 người bị thương, lúc mọi người đang nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc trên công trường xây dựng sân bay, trong đó có 16 nữ công nhân, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, quê quán hầu hết ở các huyện thị của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn.
Sự kiện lịch sử đau thương này cho đến nay có rất ít thông tin về việc xây dựng sân bay dã chiến Libi và cuộc tập kích của đế quốc Mỹ ngày 07/01/1973. Có lẽ do tính chất xây dựng trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, lại là công trình quân sự có tính bí mật, cho nên các thông tin ghi chép về sự kiện này ít được đề cập. Hơn nữa, năm 1976-1979, tỉnh Nghệ Tĩnh đã cho xây dựng công trình Đại thuỷ nông Kẻ Gỗ với sức chứa 345 triệu m3, đã nhấn chìm toàn bộ cung đường 22 huyền thoại và sân bay dã chiến Libi ở phía thượng nguồn. Tuy vậy, nhờ lượng nước của hồ Kẻ Gỗ lưu giữ mà trải qua thời gian trên 50 năm, các chứng tích vẫn còn vẹn nguyên là bãi chiến trường với chằng chịt các hố bom to nhỏ nông sâu khác nhau phát lộ khi mùa nước cạn, trông không khác gì những hố bom rải thảm ở khu vực di tích Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc trên đường mòn Hồ Chí Minh những năm 1965-1968… Sân bay dã chiến sắp đưa vào sử dụng đã bị đế quốc Mỹ rải bom phá hủy, nhưng qua công trình này cũng đã thể hiện được rất lớn ý chí quyết tâm của quân và dân Hà Tĩnh trong công cuộc chiến đấu để giành chiến thắng, trong cuộc chiến tranh không cân sức giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Nhân dân ta với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, và với một ý chí “địch phá một ta làm mười, đường ta cứ đi là xe ta cứ chạy”, và cuối cùng nhân dân Việt Nam đã chiến thắng, nhân dân Hà Tĩnh đã chiến thắng.
Năm 2011, trên một ngọn đồi cao thoai thoải cạnh các hố bom xưa, nhân dân địa phương và du khách xa gần đã góp công sức tiền của xây dựng một miếu thờ những người đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ xây dựng sân bay dã chiến Libi và con đường 22 huyền thoại. Miếu xây dựng với qui mô nhỏ nhưng ấm cúng, được nhân dân và các du khách đến thắp hương tưởng nhớ mỗi khi có dịp đến đây. Mặt trước miếu thờ có đôi câu đối rất ý nghĩa:
“Chiến công xứ sở Kẻ Gỗ vang khúc trường ca Dũng sỹ
Huyền thoại con đường Hai Hai rạng danh chứng tích Anh hùng”
Miếu thờ Liệt sĩ hồ Kẻ Gỗ đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh tại quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 27/01/2014. Trong những năm gần đây, Tạp chí Đầu tư Tài chính- VietnamFinance đã phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đứng ra vận động tài chính theo hình thức xã hội hóa xây dựng Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ tại lòng hồ Kẻ Gỗ. Công trình được xây dựng để khắc ghi tên tuổi, tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên con đường 22 và sân bay dã chiến Libi huyền thoại, đồng thời cũng gửi gắm một thông điệp đến các thế hệ tương lai về khát vọng hoà bình và phát triển bền vững.
ThS. Nguyễn Trí Sơn
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh