Quá trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã được xác lập qua các văn bản pháp lý quan trọng qua từng thời kỳ. Dưới đây xin điểm lại một số mốc quan trọng nhất.
Quyết định quan trọng nhất để mở đường cho công trình là Quyết định số 318.Ttg của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Anh ký thay, qua đó phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế hồ chứa nước Kẻ Gỗ tỉnh Hà Tĩnh. Quyết định này được ký căn cứ vào Tờ trình số 364-TL/KH ngày 23 tháng 2 năm 1974 và tờ trình bổ sung số 269-TL/KH ngày 26 tháng 11 năm 1974 của Bộ Thủy Lợi; Tờ trình số 1044-UB/HT ngày 05 tháng 12 năm 1972 và công văn số 380-UB/KTCB ngày 21 tháng 3 năm 1974 của Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh xin xây dựng công trình này và Tờ trình số 1235-UB/VP ngày 02 tháng 10 năm 1974 của Ủy ban kế hoạch Nhà nước về việc trình duyệt nhiệm vụ thiết kế hồ chứa nước Kẻ Gỗ tỉnh Hà Tĩnh.
Theo quyết định này, hồ chứa nước Kẻ Gỗ được xây dựng trên sông Rào Cái thuộc địa phận xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh. Nhiệm vụ công trình là tưới ruộng 21.136 ha đủ nước sản xuất 2 vụ của hai huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà (Cẩm Xuyên 17 xã, Thạch Hà 20 xã) chống lũ quét, chống xói mòn cho diện tích trên. Đồng thời, cung cấp nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt trong vùng 1,6m3/s và phát điện 2.300 KW trong mùa tưới.
Các hạng mục công trình ở phần đầu mối gồm có: một đập chính ngăn sông bằng đất; 3 đập phụ bằng đất; một công trình xả lũ bằng bêtông cốt thép có lưu lượng xả ứng với tần suất 0,5% là 1.540 m3/gy; một cống lấy nước bằng bêtông cốt thép có lưu lượng lớn nhất 28,3 m3/gy và nhà máy thủy điện đặt sau cống lấy nước.
Phần kênh mương gồm cóHệ thống kênh và công trình trên kênh đê dẫn nước phục vụ nông nghiệp từ sau cống lấy nước đến khoảnh ruộng và Hệ thống kênh dẫn nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt được chuyển bằng đường ống riêng do Bộ xây dựng nghiên cứu, đầu tư và có kế hoạch xây dựng đảm bảo sau khi hồ Kẻ Gỗ giữ nước thì đường ống này cũng đưa vào phục vụ được.
Quyết định số 318.TTg của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế hồ chứa nước Kẻ Gỗ
Về vốn đầu tư xây dựng, toàn bộ cho hệ thống công trình này ước tính khoảng: 100.000.000 đồng; trong đó xây lắp khoảng 82.000.000 đồng. Về thời gian xây dựng, công trình chuẩn bị từ đầu năm 1975 và hoàn thành toàn bộ vào năm 1981. Khi xây dựng sẽ thi công đồng bộ từng tuyến kênh và khai thác từng phần. Đầu năm 1978 sẽ tưới 5.000 ha thuộc nhánh kênh N1 và các năm sau sẽ khai thác tăng dần lên.
Vẫn theo quyết định này, hồ chứa nước Kẻ Gỗ là một công trình thủy lợi loại lớn có lợi ích tổng hợp, yêu cầu sản xuất trong vùng cấp bách. Để xây dựng công trình này được tốt và chóng đưa công trình vào phục vụ sản xuất theo kế hoạch; Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Thủy lợi là cơ quan chủ quản công trình có nhiệm vụ thiết kế và xét duyệt đồ án kỹ thuật toàn bộ công trình; tổ chức toàn bộ việc xây dựng công trình từ đầu mối đến khoảnh ruộng; bảo đảm hoàn thành đúng nội dung và thời gian quy định trong quyết định này. Đồng thời, Bộ Thủy lợi phải quản lý số kinh phí được duyệt trong nhiệm vụ thiết kế và số kinh phí, vật tư, thiết bị lao động theo kế hoạch hàng năm, hàng tháng; quản lý toàn bộ về mặt kỹ thuật các công trình từ đầu mối kênh mương đến khoảnh ruộng và ký hợp đồng với Bộ Điện và Than làm đường dây dẫn điện 3 từ thị xã Hà Tĩnh về khu vực đầu mối.
Thủ tướng giao Ủy ban hành chính Hà Tĩnh có kế hoạch tổ chức xây dựng toàn bộ hệ thống kênh mương từ kênh chính đến khoãnh ruộng cho khớp với tiến độ thi công đầu mối để phát huy hiệu quả kịp thời khi hồ đá giữ nước, cung cấp đủ số lao động thủ công để thi công phần đầu mối; xây dựng các công trình phục vụ thi công, bảo đảm trật tự trị an, cung cấp vật chất và tinh thần cho công nhân trong thời gian thi công, cùng với Bộ Thủy lợi có kế hoạch đền bù và ổn định sản xuất cho nhân dân những nơi bị ngập; tổ chức khai thác vật liệu (cát, đá, sỏi) để cung cấp cho việc xây dựng công trình theo tiến độ.
Các cơ quan khác cũng được giao các nhiệm vụ tương ứng gồm Ủy ban Nông nghiệp trung ương, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Vật tư và Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng.
Từ quyết định trên, ngày 25/9/1978, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban các cấp ban hành ngày 10-11-1962; Căn cứ Thông tư số 21-TT/TL ngày 20 tháng 1 năm 1978 của Bộ Thủy lợi về tổ chức Công ty thủy nông và xét đề nghị của ông Trưởng ty Thủy lợi và ông Trưởng ban tổ chức Ủy ban Nhân dân tỉnh, đã ban hành Quyết định về việc thành lập Công ty quản lý thủy nông Kẻ Gỗ trực thuộc Ty Thủy lợi Nghệ Tĩnh. Theo đó. Công ty là đơn vị kinh tế cơ sở hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân hoạt động theo nguyên tắc tự chủ tài chính và được quản lý theo chế độ Thủ trưởng có con dấu riêng, và tài khoản riêng.
Nhiệm vụ Công ty được qui định như sau: (i) Quản lý công trình, trực tiếp quản lý tất cả các công trình trong hệ thống từ đầu mối đến kênh mương, có biện pháp và kế hoạch bảo vệ tài sản, chỉ đạo việc đóng mở các công trình thực hiện vận hành đúng quy trình quy phạm kỹ thuật. (ii) Quản lý nước, nắm chắc tình hình yêu cầu sản xuất nông nghiệp từng vụ, từng năm, tình hình thủy văn khí tượng, có kế hoạch mở nước, phân phối và điều hòa nước hợp lý kịp thời đến từng khu vực của hệ thống theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp. (iii) Quản lý kinh doanh, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế trong công tác quản lý khai thác bảo vệ hệ thống thủy nông trước mắt thực hiện quản lý kinh tế theo chế độ tài vụ, gắn thu bù chi ngân sách Nhà nước cấp phát phần chênh lệch “theo Quyết định số 16-QĐ/LB ngày 20 tháng 10 năm 1972 của Liên bộ Thủy lợi – Tài chính”.
Vẫn theo quyết định này, Tổ chức bộ máy Công ty gồm có 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm, 1 kế toán trưởng do ông Trưởng ty Thủy lợi đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định bổ nhiệm. Các bộ môn giúp việc như quản lý công trình, quản lý nước, kế hoạch về tài vụ, kế toán tài vụ, tổ chức lao động, tiền lương và hành chính quản trị cùng các đội quản lý công trình… giao cho ông Trưởng ty Thủy lợi căn cứ vào Thông tư của Bộ Thủy lợi theo xếp hạng Công ty để quy định bộ máy cụ thể cho Công ty hoạch động, tỷ lệ gián tiếp của Công ty không quá 12% (mười hai phần trăm). Toàn bộ biên chế và quỹ lương công ty thuộc khu vực kinh doanh do Ty Thủy lợi đề nghị qua Ủy ban Kế hoạch tỉnh tổng hợp cân đối trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xét duyệt.
Đối với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ hiện nay, văn bản pháp lý quan trọng nhất chính là Quyết định thành lập cơ quan này được Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Mạo ký ngày 12/6/1997. Theo quyết định này, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Hà Tĩnh được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý rừng phòng hộ Kẻ Gỗ. Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Hà Tĩnh là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân có con dấu và tài khoản riêng. Được Nhà nước cấp ngân sách và được xin vốn tài trợ các dự án của tổ chức Quốc tế (nếu có) để hoạt động về bảo tồn thiên nhiên và quản lý phòng hộ Kẻ Gỗ. Ban trực thộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và trụ sở Ban đặt tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh.
Ban có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 24.708 ha rừng hiện có và các loại động vật, thực vật quý hiếm; khôi phục lại số diện tích rừng bị suy giảm, nhằm góp phần bảo tồn sinh học và phòng hộ công trình thuỷ lợi Kẻ Gỗ; bảo tồn gen động vật, thực vật quí hiếm; tổ chức lại sản xuất, đời sống kinh tế xã hội trong vùng theo hướng nông lâm kết hợp và phục vụ yêu cầu quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong vùng; tạo tiền đề nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, và phát triển du lịch trong vùng.
Ngoài Ban lãnh đạo, Ban có các đơn vị giúp việc gồm Phòng tổ chức, hành chính, kế toán; Phòng quản lý khoa học kỷ thuật bảo tồn; Đội bảo vệ cơ động; Trạm bảo vệ số 1 (đập A Kẻ Gỗ); Trạm bảo vệ số 2 (Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên); Trạm bảo vệ số 3 (tuyến đường 22 Kỳ Thượng Kỳ Anh); Trạm bảo vệ số 4 (xã Cẩm Mỹ); Trạm bảo vệ số 5 Rào bội (tuyến đường 21 thuộc địa phận Hương Trạch Hương Khê). Biên chế của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trong tổng biên chế sự nghiệp của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
BBT