Lịch sử một dự án

Kẻ Gỗ là tên của một làng Việt cổ ở xã Mỹ Duệ, nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 15 cây về phía Tây Nam. Làng Kẻ Gỗ xưa nằm dọc theo hai bờ sông Rào Cái (còn gọi là sông Ngàn Mọ), là dòng sông hội tụ của hàng trăm khe suối từ rừng Kẻ Gỗ đổ về.

Mùa nắng sông Rào Cái khô hạn, nhưng mùa mưa nước chảy quá nhanh, quá mạnh trở thành tai ương cho cả vùng phía Nam Hà Tĩnh. Từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã nghĩ đến việc đắp đập chế ngự dòng sông này. Trong thời kỳ Pháp thuộc, ở xã Cẩm Thành (CẩmXuyên) đã có một cái mương nhỏ lấy nước từ Kẻ Gỗ về sản xuất. Trước cách mạng tháng Tám, người Pháp dự kiến làm xong công trình trong 20 năm, với sức chứa lòng hồ 85 triệu mét khối nước. Họ thiết kế và bắt đầu thi công một số hạng mục nhưng chiến tranh thế giới thứ 2 và sau đó chiến tranh Đông Dương bùng nổ nên công trình đã bị bỏ dở.

Theo ông Nguyễn Tiến Chương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, năm 1957, ông là Ủy viên Thường vụ trực đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã làm việc với ông Hà Kế Tấn, Bộ trưởng Bộ thuỷ lợi về việc nghiên cứu làm hồ Kẻ Gỗ. Kết luận sau buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Kế Tấn nói: “Chưa làm được, bởi vì chưa đủ điều kiện”, và quyết định cho Hà Tĩnh làm Thượng Tuy, những hồ chứa nước vừa và nhỏ khác. Lúc đó, ông Nguyễn Hữu Thái, Bí thư Tỉnh ủy đã có ý kiến: “Hà Tĩnh thiết tha được làm Kẻ Gỗ, vì công trình ấy mới giải quyết được hạn hán, lũ lụt vùng trong này. Khi nào làm được, mong Trung ương cho chúng tôi làm”.

Đến giữa hè năm 1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, Bác có nhắc đến Kẻ Gỗ và yêu cầu lục hồ sơ của Pháp để nghiên cứu. Bác Hồ cũng thường xuyên quan tâm đến công tác thủy lợi, tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc năm 1959, Bác đã nói “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh. Nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại. Nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sốngnhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chính từ sự quan tâm của Bác Hồ đã tiếp thêm niềm tin, nhân lên sức mạnh để cả tỉnh “tiến quân vào mặt trận thủy lợi”.

Le Duan

Từ cuối năm 1958 Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc do đồng chí Trần Đăng Khoa làm Bộ trưởng đã có chủ trương tiến hành thu thập các hồ sơ của công trình Kẻ Gỗ. Trên cơ sở tập trung thu gom những hồ sơ khảo sát đo đạc thuỷ văn của cả mạng lưới thuỷ văn Đá Bạc, Sông Trí, Hoà Duyệt và các tài liệu địa hình, địa chất, thuỷ văn cùng toàn bộ hồ sơ trong giai đoạn thiết kế sơ bộ của công trình Kẻ Gỗ được đưa về cơ quan Văn phòng Bộ để nghiên cứu sử dụng. Những hồ sơ tài liệu nói trên đã tạo điều kiện cho các cơ quan khoa học thuỷ lợi có nhiều thuận lợi, thông qua đó mà kế thừa, tiếp thu, phát triển, giảm bớt thời gian của quá trình chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, sau đó do phải tập trung cho những công trình như: Thượng Tuy, Linh Cảm... và phải chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nên công trình Kẻ Gỗ bị hoãn lại.

Năm 1971, ông Nguyễn Tiến Chương ra Trung ương, sau khi làm việc với Bộ thủy lợi đã đề nghị với Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho làm công trình Kẻ Gỗ. Ban Bí thư chấp thuận cho làm công trình này và hồ Kẻ Gỗ được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh năm 1972, được xếp vào danh mục các công trình trọng điểm của miền Bắc. Tại một kỳ họp của Quốc hội khoá V năm 1971, Chính phủ đã đệ trình chủ trương xin Quốc hội về việc xây dựng công trình và chính thức đưa vào danh mục trọng điểm Quốc gia, được Quốc hội biểu quyết nhất trí. Từ đó Bộ thuỷ lợi trong vai trò chủ dự án công trình đã khẩn trương hoàn thành các hồ sơ kinh tế - kỹ thuật theo từng giai đoạn để trình lên Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư. Và ngày 23/12/1974, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn quyết định, tập trung cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Chính phủ đã ký Quyết định số 318/TTg phê duyệt nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước Kẻ Gỗ ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Vẫn theo ông Nguyễn Tiến Chương, xác định công trình Kẻ Gỗ trước sau gì thì cũng phải làm, tỉnh đã chủ động bỏ vốn địa phương ra làm các công tác chuẩn bị như: sửa cầu đường, mắc dây điện thoại, nuôi cá, trồng rau, chuẩn bị thực phẩm cho công trường và tổ chức lao động thủ công làm trước phần kênh mương.

Khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, đất nước được hòa bình thống nhất, công trình này mới được các nhà khoa học thủy lợi Việt Nam thiết kế và được Nhà nước chính thức cho thi công lấy tên “Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ”. Tháng 11/1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn vào làm việc với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và được nghe báo cáo về dự án này. Đồng chí Tổng Bí thư kết lụận: Bộ thủy lợi phụ trách đầu mối, địa phựơng làm kênh mương, rút ngắn thời gian làm việc trong vòng 3 năm. Ngày 26/3/1976 được chọn làm ngày khởi công công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ và sau ba năm tỉnh Nghệ Tĩnh phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân đã làm nên một kỳ tích vĩ đại. Ngày 26/3/1979 công trình khánh thành được đưa vào khai thác sử dụng và đã vực dậy những vùng quê lam lũ đói nghèo vì thiếu nước, biến vùng đất Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh... thành những vựa thóc khổng lồ, thúc đẩy nền nông nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng.

“Xây dựng thành công công trình thủy nông Kẻ Gỗ đã thể hiện sự khát khao, mong muốn cháy bỏng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Nghệ Tĩnh nói chung; thể hiện sức mạnh “Dời non lấp biển” của quần chúng cách mạng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở, làm đồng bộ kênh mương từ đầu mối đến đồng ruộng, sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất. Với 345 triệu mét khối nước, Kẻ Gỗ như là cái “biển nhỏ” nằm phía Tây của huyện Cẩm Xuyên, có hệ thống kênh mương dẫn nước toả đi khắp vùng, tạo nên khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Hệ thống thuỷ nông Kẻ Gỗ đă làm biến đổi 2 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên từ khô cằn, bạc màu trở thành nơi chuyên canh lúa lớn của tỉnh; cung cấp nước cho Thị xã Hà Tĩnh, ngành công nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Chương viết.

Do tính chất hết sức quan trọng, dự án hồ Kẻ Gỗ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan Trung ương. Ngày 1//1/1978, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận Lẵng hoa của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng nhân dân, công nhân và cán bộ tham gia xây dựng hệ thống thủy nông Kẻ Gỗ. Các đồng chí Trần Quang Đạt, Nguyễn Văn Giản, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và đông đảo cán bộ, công nhân, dân công đang thi công công trình Kẻ Gỗ đã tới dự. Trong dịp này, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đã đọc một bài diễn văn quan trọng như sau:

“Hôm nay, trong niềm hân hoan của cả nước kết thúc thắng lợi một năm đồng khởi thi đua lao động xã hội chủ nghĩa - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, và chào mừng thành công tốt đẹp của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa sáu, tôi rất phấn khởi thay mặt Chủ tịch Tôn Đức Thắng trao lẵng hoa của Chủ tịch nhân dịp năm mới cho cán bộ, công nhân, nông dân tham gia xây dựng hệ thống thủy nông Kẻ Gỗ bao gồm công trình đầu mối và toàn bộ hệ thống kênh mương. Đây là một vinh dự lớn mà Bác Tôn dành cho nhân dân, cán bộ và quân đội tỉnh Nghệ Tĩnh. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, tôi nhiệt liệt hoan nghênh các tầng lớp nhân dân, quân đội và cán bộ các ngành, các cấp đã cần cù, dũng cảm, sáng tạo trong lao động dành được thắng lợi xuất sắc trên công trường Kẻ Gỗ hai năm qua. Các đồng chí thân mến, Ngày 26/3/1976, tôi đã cùng các đồng chí và đồng bào làm lễ khởi công xây dựng hệ thống thủy nông Kẻ Gỗ. Chúng ta đã hứa với nhau:

- Quyết làm cho công trường Kẻ Gỗ trở thành mẫu mực về sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, giữa công nhân, nông dân và quân đội, thi đua quyết chiến, quyết thắng thiên nhiên.

- Quyết làm cho phong trào thi đua lao động sản xuất ở Kẻ Gỗ thành ngòi nổ lớn kẻ gỗ đã trở thành một điển hình tiên tiến làm hạt nhân cho phong trào lao động sản xuất của nhân dân toàn tỉnh truyền khí thế và phong cách chiến đấu ra toàn tỉnh và trên mọi lĩnh vực công tác.

- Quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch, dành chiến thắng oanh liệt trên mặt trận Kẻ Gỗ đáp ứng nguyện vọng nghìn đời của đồng bào hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thị xã Hà Tĩnh. Hai năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, một phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng đã dấy lên khắp nơi trong tỉnh mà Kẻ Gỗ là một ngòi nổ đã truyền lan đến Vách Bắc, Sông Nghèn, Đô Lương... đến phong trào khai hoang vỡ hóa, trồng màu, làm bèo dâu... với không khí hào hứng của ngày hội lớn. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, với sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, kể cả quân đội, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, xây dựng nhiều công trình thủy lợi: tỉnh có công trường tỉnh, huyện có công trường huyện, vừa làm vừa nhân sức mạnh của mình lên. Kẻ Gỗ đã trở thành một điển hình tiên tiến làm hạt nhân cho phong trào lao động sản xuất của nhân dân toàn tỉnh”.

khoi cong ho Ke Go 2

Lực lượng công nhân trong Lễ khởi công hồ Kẻ Gỗ

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình, tiếng vang của Kẻ Gỗ đã vượt ra khỏi phạm vi một tỉnh, trở thành niềm tự hào chung của nhân dân cả nước. Từ đây, có thể rút ra nhiều bài học quý. Đó là bài học về sự kết hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, bốn cấp cùng làm, về sự điều hành lao động trên phạm vi toàn tỉnh, về kết hợp cơ giới với thủ công xây dựng đồng bộ dứt điểm từ đầu mối đến kênh mương, rút ngắn thời gian thi công, đưa từng phần công trình vào phục vụ sản xuất.

“Rõ ràng phong trào làm thi đua thủy lợi của Nghệ Tĩnh mà Kẻ Gỗ là tiêu biểu không chỉ nói lên tinh thần cách mạng tiến công và sức mạnh của một tỉnh mới mà còn thể hiện quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các đơn vị, mối quan hệ giữa trung ương và địa phương thể hiện phương thức làm ăn mới mà nhiều nơi thường nói là “phong cách Kẻ Gỗ”. Đó là những kinh nghiệm rất hay, rất phong phú về nhiều mặt, có tác dụng lâu dài, cần được tổng kết một cách nghiêm túc. Bởi vì nó không chỉ bổ ích đối với các ngành, các phong trào trong tỉnh, mà còn là món quà quý gửi tặng các địa phương trong cả nước trên đường đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống quật khởi Xô Viết Nghệ Tĩnh năm xưa, với Kẻ Gỗ, tỉnh Nghệ Tĩnh càng làm vẻ vang quê hương Bác Hồ vĩ đại. Cùng nhân dân cả nước, nhân dân và cán bộ Nghệ Tĩnh đang biến di chúc Bác Hồ thành hiện thực vô cùng tươi đẹp ngay trên quê hương Bác kính yêu”, ông nhấn mạnh.

Hiệu quả to lớn từ dự án

Có thể nói, đại dự án thủy nông Kẻ Gỗ đã mang lại những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn cho Hà Tĩnh. Sau 3 năm triển khai thi công (1976 - 1979), hồ Kẻ Gỗ đã hoàn thành với diện tích lưu vực 223km, dung tích thiết kế 345 triệu m3, nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250km tưới cho gần 15.000 ha lúa, màu, thủy sản và cung ứng nước sinh hoạt cho Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Thành phố Hà Tĩnh. Cùng với chủ trương, chính sách của tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, năng suất lúa ở các địa phương này tăng vọt, nếu trước đây khi chưa có công trình thuỷ lợi, năng suất lúa bình quân chỉ đạt từ 10 - 12tạ/ha thì hiện nay con số này tăng lên từ 4 - 4,5 lần, góp phần ổn định lương thực, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, cánh đồng mẫu lớn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trải qua gần nửa thế kỷ, công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ đã hứng chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai như hạn hán, lũ lụt nhưng vẫn vững vàng, hoàn thành nhiệm vụ cung ứng nước cho sản xuất và xả lũ an toàn cho vùng hạ du. Đại thủy nông Kẻ Gỗ ra đời đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với sản xuất của Hà Tĩnh, không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho nhân dân vùng hưởng lợi, mà còn góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn, đã trở thành một Khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị, một điểm du lịch sinh thái lý tưởng với hệ thống rừng núi bao phủ với nhiều động, thực vật quý hiếm.

Theo ông Đặng Quốc Cương, Nguyên Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên, vùng đất Cẩm Xuyên trước đây vùng đất “đồng khô, cỏ cháy”, người dân Cẩm Xuyên từ bao đời còng lưng trên vạt ruộng chỉ có một “hạnh phúc đơn sơ ước mơ nho nhỏ” là cơm no, áo ấm. Chỉ đến sau khi đại thủy nông Kẻ Gỗ ra đời, đất Cẩm Xuyên mới thực sự hồi sinh, người dân mới được ngẩng mặt lên vui cười khi cây lúa không phụ công người. Chính vì thế Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên chúng tôi vô cùng biết ơn những người đã làm nên kỳ tích này.

“Tôi có thể khẳng định rằng: không có cuộc cách mạng lớn như vậy thì không có hiện hữu một sắc thái nông thôn đẹp giàu của quê tôi như hôm nay. Đại thủy nông Kẻ Gỗ là tài sản vô giá của huyện Cẩm Xuyên chúng tôi và cũng là tài sản vô giá của nền kinh tế Hà Tĩnh. Kẻ Gỗ là mốc son đầu tiên của công cuộc đổi mới là hiện thân ý chí tiến công của Đảng và sức mạnh thánh thần của nhân dân… Từ khi có nước ngọt của hồ Kẻ Gỗ nó không chỉ là điểm tựa lớn để nhân dân Cẩm Xuyên chúng tôi an tâm phấn khởi sản xuất mà nó còn là động lực để thay đổi tầm nhìn, tầm nghĩ của người dân từ chỗ làm ăn manh mún lạc hậu nay đã biết mạnh dạn đầu tư làm giàu. Tôi chỉ đơn cử một hình ảnh thuở xưa nhắc chuyện máy cày máy bừa là hình ảnh các nước tiên tiến về kỹ thuật trên thế giới, với Việt Nam chỉ là chuyện xa lạ đối với đồng đất Cẩm Xuyên lại càng xa lạ hơn. Vậy mà sau ba thập kỷ đổi mới, đồng đất Cẩm Xuyên đã rộn ràng tiếng cày máy bừa, máy cắt, máy gặt. Nhiều người dân khi ruộng lúa chín vàng đã đưa máy móc đến giúp người nông dân, hạt thóc được thu hoạch và đóng thành bì ngay từ chân ruộng. Chính sử dụng một nền cơ giới “trâu đỏ thay dần trâu đen” đã giải phóng đôi vai, giải phóng sức người, tiết kiệm được với thời gian, lại tạo ra năng suất và sản lượng lớn, sớm đưa Cẩm Xuyên đã vận hành một nền kinh tế tri thức. “Trông lại ngày xưa và trông tới mai sau”, chúng tôi lại càng hiểu rằng quê hương đi lên từ tiềm năng của đất và sự sinh trưởng của lúa, khi yếu tố cơ bản nhất trong 4 khâu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã được giải quyết triệt để”, ông viết.

Cùng quan điểm này, ông Trần Việt Hà, Nguyên Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (nay là Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh) cho rằng: “Nếu nhân dân Thạch Hà không biết ơn những người đi xây hồ Kẽ Gỗ là có lỗi rất lớn với lịch sử”. “Tôi tin chắc rằng lớp trẻ của Thạch Hà hôm nay đang phơi phới cắp sách tới trường, chắc không thể hiểu nổi nhân dân Thạch Hà bốn thập kỷ trước đói khổ nghèo nàn và lạc hậu đến mức nào? Nhắc đến chuyện “nhà tranh, cột tre, vách đất”, nhắc đến chuyện mùa hè nửa đêm còn xếp hàng bên giếng làng chắt từng gầu nước, chắc lớp trẻ sẽ cho “từ nước bạc cơm vàng” Thạch Hà vươn dậy tầm vóc mới”, ông viết.

Vẫn theo ông Hà, từ khi có nước hồ Kẻ Gỗ đã tạo nên sức chuyển biến lớn của nhân dân Thạch Hà. Nguồn nước Kẻ Gỗ đã thắp sáng màu xanh mênh mông đồng lúa, đồng khoai, các xã từ thượng kênh đến hạ kênh. Nhân dân Thạch Hà đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm nhanh, Thạch Hà trở thành một huyện nông nghiệp phát triển bền vững. Cùng với những thay đổi lớn về phương thức làm ăn, cơ chế, chính sách huyện đã có nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, khuyến khích nhân dân làm giàu, tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú. Người dân Thạch Hà đã có niềm tin từ chính mình. Trên mặt trận nông nghiệp huyện Thạch Hà đã biết ứng dựng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới vào sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xóa bỏ được lối làm ăn manh mún lạc hậu. Thành công của Kẻ Gỗ không chỉ là thành quả về lợi ích kinh tế, nó còn là một bài học sâu sắc về tư tưởng tiến công, về tinh thần cách mạng.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Công trình thuỷ lợi Kẻ Gỗ đã thực sự đổi đời cho cả một vùng quê rộng lớn. “Tất cả những gì mà ta đang có hôm nay ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh, đều có sự đóng góp của dòng nước Kẻ Gỗ. Từ con đường làng rộng mở, mái nhà ngói đỏ tươi, trường học cao tầng sớm chiều trẻ thơ rộn rã, đến vườn cây, ao cá, khí mát trong lành. Sự trù phú, ấm no thanh bình dồi dào sức trẻ, tất cả đều nằm trong sự vận động của quy luật tự nhiên, nhưng không thể không nói đến do có sự ảnh hưởng từ hiệu quả của công trình Kẻ Gỗ”, ông Sơn đánh giá.

Nguyễn Lê