Được sự đồng ý của tác giả, Ban biên tập trân trọng trích giới thiệu một phần trong hồi ký của ông Trần Quốc Thại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về bối cảnh và quá trình xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ.

“...Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Nhân dân cả nước phấn khởi tự hào, vững bước tiến lên dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã hằng mong muốn.

Với định hướng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn mới, Trung ương quyết định đưa các tỉnh nhỏ trong cả nước hợp nhất lại thành tỉnh lớn. Ngày 27/12/1975, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lại thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1976, năm đầu tiên hợp nhất tỉnh mới, đồng chí Nguyễn Sĩ Quế làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Tiến Chương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trương Kiện làm Chủ tịch UBND, đồng chí Trần Quang Đạt làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Những năm 1976-1986, Nghệ Tĩnh sống trong cơ chế quan liêu bao cấp, nên các cán bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh, thuộc diện nghèo và khổ nhất trong cả nước. Cái khổ dễ thấy nhất là Nghệ Tĩnh thiếu lương thực nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh phải chạy đôn chạy đáo, xin Trung ương viện trợ lương thực. Chả thế mà thời kỳ này, có câu hát chế diễu: “Nghệ Tĩnh mình ơi! Trung ương gọi lấy mì/ Bạn về với vợ đèo mấy cân ngô” hoặc “Năm tám mươi gạo thóc tám mươi/ Dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ”. Những hình ảnh này là hình ảnh có thật, chứ không ngoa dụ chút nào. Ai chứng kiến mới thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhân dân Nghệ Tĩnh thời kỳ này. Nghệ Tĩnh nghèo có những nguyên nhân cơ bản của nó: - Thứ nhất, do hậu quả của chiến tranh để lại. - Thứ hai, do cơ chế quan liêu bao cấp trì trệ kéo dài, chưa phát huy được năng lực của dân và sức dân. - Thứ ba, do bão lụt và hạn hán thường xuyên uy hiếp. Đặc biệt, hai trận lụt thế kỷ xảy ra vào tháng 8 và tháng 9 năm 1978 khiến Nghệ Tĩnh bị mất mùa nặng. Thời điểm ấy, hầu hết cán bộ và công nhân trong cả tỉnh đều phải ăn mì hạt, sắn khô, khoai lang khô, ngô răng ngựa... trong những bữa ăn chính. Định mức gạo mà ngành lương thực cung cấp chỉ vài ba cân gạo thôi. Có những năm, cán bộ, công nhân mỗi người phải tự túc lương thực, suốt bốn tháng liền. Nhiều cơ quan phải năng động để “tự cứu mình trước lúc trời cứu” bằng cách liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương cho mượn đất ruộng, đất đồi để trồng lúa ngô, khoai, sắn. Ai đã trải qua thời kỳ ấy, chắc nghĩ lại bây giờ vẫn cảm thấy động lòng. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, bỗng dưng tôi lại nhớ tới hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Khổ đau nhiều mới yêu thương lắm/ Quen vượt trùng dương lái vững tay”.

Khoi cong ho Ke Go

Lễ khởi công dự án hồ Kẻ Gỗ

Chúng tôi sống những ngày đầy gian khổ, nhưng đầy tình nghĩa anh em, chan chứa tình cảm đồng bào, đồng chí. Càng gian khổ lại càng đoàn kết. Chính trong tình thương yêu đùm bọc, đoàn kết đã tạo nên một sức mạnh lớn khiến nhân dân cả nước phải ngưỡng mộ bản lĩnh kiên cường, ý chí quyết tâm sắt đá của người Nghệ Tĩnh, để “Nổi trống lên ta hát bài Kẻ Gỗ/ Cờ búa liềm dậy đất Hồng Lam” kéo quân bước vào mặt trận mới. Đây là một công trình thế kỷ lớn vào loại nhất nước thời bấy giờ, hồ Kẻ Gỗ có sức chứa 345 triệu mét khối nước, tưới cho 21.000ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Với phương án dự tính ban đầu phải hoàn thành trong 10 năm, sau đó dự tính 6 năm, và cuối cùng rút ngắn lại 3 năm. Để đạt được tiến độ thi công trong thời gian ngắn nhất, hồi ấy ngoài sử dụng các phương tiện cơ giới, tỉnh phải huy động lực lượng nhân dân cả tỉnh từ miền núi, tới miền xuôi, mang lương thực, thực phẩm cùng với dụng cụ ven, xuổng (thuổng), cuốc, xe cải tiến... dựng lán trại trên công trường. Thường xuyên trên công trường hàng ngày có khoảng 10 ngàn người tham gia làm thủy lợi. Không chỉ nhân dân mà cả đơn vị bộ đội, xí nghiệp, nông trường cũng được điều động tham gia. Đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ thành công rực rỡ là biểu tượng của tinh thần làm chủ tập thể của những bộ óc thông minh sáng tạo. Một số cán bộ lãnh đạo cao nhất của tỉnh gánh vác sứ mệnh lớn như ông Trương Kiện, Nguyễn Tiến Chương, Trần Quang Đạt, Đinh Sĩ Nam, Nguyễn Hoàng Trạch là những người chỉ huy đầy năng động và sáng tạo. Sau khi Đại công trình hồ thủy nông Kẻ Gỗ thành công, Nghệ Tĩnh tiếp tục cuộc cách mạng thủy lợi trên các công trình Vách Bắc (Diễn Châu), Vực Mấu (Quỳnh Lưu), cống Đô Lương và công trình ngọt hóa sông Nghèn (Can Lộc).

Ông Trương Kiện, Chủ tịch UBND, ông Trần Quang Đạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Ủy ban Kế hoạch tỉnh nắm vai trò kế hoạch vật tư, nhằm đảm bảo cho công trường Đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ nguồn vật tư xi măng, sắt thép đối với một số hạng mục công trình quan trọng, các máy móc, cơ giới và xăng dầu. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh giao cho tôi trực tiếp lo liệu việc này. Một công việc tuy ở tuyến sau, có vẻ thầm lặng nhưng gian nan vất vả lại đi trước, quyết định thành bại như công tác hậu cần trong một chiến dịch quân sự.

Có những tháng tôi phải ra Hà Nội “gõ cửa” các cơ quan bộ ngành từ hai đến ba lần. Nhiều lúc không chủ động được xe cộ phải đi tàu hỏa. Tuy nhiên, tôi rất vui và quên hết mệt nhọc khi nghĩ về công trình Kẻ Gỗ, một ước mơ ngàn đời của người dân Hà Tĩnh đã hóa thành hiện thực. Đặc biệt, mỗi lần tôi tới công trình Kẻ Gỗ, được chứng kiến cả biển người trong cái nắng tháng sáu cháy da, cháy thịt đang hối hả người cuốc người ven, kẻ gánh kẻ gồng lẫn trong tiếng động cơ của máy ủi, tôi càng hiểu thêm sức mạnh vĩ đại từ tinh thần làm chủ tập thể thời ấy. Nhân đây, tôi xin nhắc lại về bản lĩnh, ý chí và sự thông minh sáng tạo của ông Trương Kiện và ông Trần Quang Đạt.

Ông Trương Kiện là con người hùng biện, trước diễn đàn hội nghị ông nói rất hấp dẫn người nghe. Bởi vì ông vừa có tư duy lý luận, lại có vốn sống thực tiễn, có sức thuyết phục các tầng lớp cán bộ đảng viên và quần chúng cao. Với phong cách làm việc “Nói đi đôi với làm”, ông rất được nhân dân quý trọng và tin tưởng. Dầu một chân ông Trương Kiện bị thương tật, người gầy, tóc bạc nhưng ông vẫn thường xuyên, siêng năng rèn luyện sức khỏe nên lúc nào da dẻ cũng hồng hào, giọng nói sang sảng đầy hào khí . Nơi nào khó khăn nhất, gian khổ nhất ông đều có mặt, khiến tôi và nhiều người khâm phục.

Trở lại chuyện xây hồ Kẻ Gỗ. Tôi còn nhớ ông Nguyễn Tiến Chương hồi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Hà Nội dự hội nghị Trung ương được Bác Hồ mời đến Phủ Chủ tịch gặp gỡ. Thời điểm ấy vào năm 1967, cả nước đang dốc lòng đánh Mỹ, các tỉnh ở Khu Bốn ngày đêm bị bom cày đạn xéo. Nhưng nhân dân vẫn hăng hái sản xuất, lao động và học tập. Ai cũng hừng hực trong lòng mình niềm tin chiến thắng. Sau khi nghe ông Nguyễn Tiến Chương báo cáo về đời sống nhân dân, mùa màng, khí thế sản xuất và chiến đấu của quân và dân Hà Tĩnh, Bác Hồ rất vui. Trong buổi gặp hôm ấy, Bác Hồ có nhắc nhở nên lục lại tập hồ sơ Kẻ Gỗ dưới thời Pháp thuộc, nghiên cứu dần đi. Nhớ lời Bác Hồ dặn, sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, vào khoảng tháng 8/1975 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức họp bàn về chuyện xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Sau đó, ông Nguyễn Tiến Chương chỉ đạo Ty Nông nghiệp Hà Tĩnh tổ chức một cuộc họp cán bộ cốt cán, thảo luận kỹ về nội dung quan trọng này. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Ngọc Kính, Trưởng Ty Nông nghiệp Hà Tĩnh. Cuộc họp hôm đó có nhiều kỹ sư, nhiều chuyên gia đóng góp sôi nổi. Khi mọi kế hoạch đang bắt đầu triển khai thì tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An trở thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Vừa mới ổn định công tác tổ chức về tỉnh mới chưa đầy một tháng, ông Nguyễn Tiến Chương, lúc này giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã trình nội dung chương trình xây dựng Hồ Kẻ Gỗ, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ý kiến Ban Chấp hành Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Trong Thường vụ các đồng chí đều ủng hộ tuyệt đối, nhưng lúc đưa ra Ban Chấp hành, có một số ý kiến đại biểu vẫn chưa tán thành. Họ cho rằng xây một hồ lớn có dung tích 346 triệu mét khối nước lớn như vậy, sợ không làm nổi.

Trước một số ý kiến còn e ngại đó, ông Trương Kiện phủ quyết ngay. Ông dõng dạc tuyên bố: “Với khát vọng đưa lại cơm no áo ấm cho nhân dân, không có lý do gì chúng ta không làm được. Phải lấy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh để tiên phong, lấy sức mạnh tổng hợp của dân và tinh thần làm chủ tập thể mỗi người, lấy hồ Kẻ Gỗ làm “mốc son” cho cuộc cách mạng thủy lợi”.

Sau đó các ông Nguyễn Bá, Nguyễn Tiến Chương, Trần Quang Đạt đều tán thành ý kiến của ông Trương Kiện. Cuộc họp hôm đó tôi có tham dự, nghe được rất nhiều ý kiến đồng tình cao với ông Trương Kiện. Đặc biệt ý kiến của ông Nguyễn Tiến Chương phát biểu trước nghị trường: “Chúng ta muốn chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, không có con đường nào khác phải lấy nông nghiệp làm tiên phong. Khi chúng ta lấy nông nghiệp tiên phong, thì phải lấy thủy lợi làm tiên phong. Ước mong của nhân dân cũng là niềm mong mỏi của Bác Hồ lúc còn sống”.

Rồi ông Nguyễn Tiến Chương không quên nhắc lại lời dặn dò của Bác Hồ lúc ông được vinh dự gặp Bác tại Hà Nội. Tôi nhớ hôm đó ông Nguyễn Bá cũng hào hứng nói: “Đây là thời cơ chín muồi nhất, nên không còn chần chừ gì nữa. Xây dựng được công trình đại thủy nông này thành công là chúng ta đã thực hiện tốt di nguyện của Người. Điều khao khát ngàn đời của nhân dân huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh, mong mỏi cơm no áo ấm phụ thuộc vào điểm đột phá này…”.

Cuộc họp hôm ấy kết thúc thành công rực rỡ. Vài ngày sau ông Trương Kiện, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Quang Đạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ Tĩnh giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo thi công. Khi ý Đảng đã quyết, lòng dân đã đồng thì không có khó khăn nào nhân dân Nghệ Tĩnh không vượt qua được, không có rào cản nào ngăn được sức dân như nước. Tôi còn nhớ mãi, tỉnh Nghệ Tĩnh đã quyết định chọn ngày 26/3 năm 1976, đúng ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là ngày làm lễ động thổ công trình Hồ Kẻ Gỗ, nhằm phát huy sức mạnh và ý chí của tuổi trẻ trên công trường.

Cả đêm ấy tôi cứ nằm thao thức mãi không làm sao ngủ được, chỉ mong sao gà gáy sáng để có mặt sớm trong buổi tham dự lễ khởi công. Đúng bốn giờ sáng, ăn vội bát cơm rang, tôi lọ mọ đạp xe đạp tới trụ sở Ủy ban Kế hoạch tỉnh, thấy hai thủ trưởng của mình là đồng chí Nguyễn Kỳ Cẩm và đồng chí Hoàng Duy Số đã có mặt. Khi chiếc xe U-oát vượt qua cầu phao Bến Thủy, ngước nhìn sông Lam và núi Hồng Lĩnh sương bọc trắng xóa, lòng tôi dạt dào cảm xúc nghĩ tới một ngày mai tươi sáng của Hà Tĩnh. khi vượt qua nhiều cung đường gồ ghề, khúc khuỷu đến sông Ngàn Mọ, nơi chuẩn bị làm lễ khởi công thì trời sáng hẳn. Tưởng mình đã đến sớm, hóa ra nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh còn đến sớm hơn. Một lúc sau, dòng người mang cồng kềnh nào ven, cuốc, gạo, mắm… ùn ùn kéo đến, đứng chật ních cả một ngọn đồi. Sáng hôm ấy trời quang mây tạnh, một rừng cờ đỏ bay phấp phới ngời lên trong ánh nắng ban mai. Đúng 7 giờ 30 phút, lễ khởi công bắt đầu. Sau buổi lễ ấy âm thanh những tiếng cuốc đầu tiên bắt đầu bổ xuống ngọn đồi. Kể từ ngày ấy trở đi, với khí thế dời non lấp biển, ngày nắng cũng như mưa, biển người bên dòng sông Ngàn Mọ không bao giờ vơi cạn...

Một tháng sau, tôi đến công trường Kẻ Gỗ để báo cáo số lượng vật tư Trung ương vừa cấp cho ông Trần Quang Đạt, người đang trực tiếp chỉ huy trên công trường biết. Trong cái lán tranh trên một ngọn đồi cao hôm đó tình cờ tôi thấy ông Đạt đang say sưa nói chuyện với một người đàn ông trạc tuổi tứ tuần. Tôi loáng thoáng nghe ông Đạt kể về địa lý và lịch sử khu vực sông Ngàn Mọ cho vị khách này nghe. Khi thấy tôi xuất hiện, ông bảo tôi ngồi xuống ghế, rồi giới thiệu:

- Đây là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả bài hát “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” đấy.

Tôi vui quá vội thốt lên:

- Thời chống Mỹ anh viết “Bài ca năm tấn” ca ngợi quê hương Thái Bình. Tôi nghe ca sĩ hát trên đài, lòng đầy tự hào với khí thế hậu phương chia lửa cùng tiền tuyến. Bát hát ấy không chỉ khích lệ nhân dân Thái Bình mà còn khích lệ nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Qua thông tin nhiều người, tôi biết anh quê mẹ ở xã Hộ Độ, nên anh rất cảm tình với Hà Tĩnh. Bài hát “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” sẽ là tác phẩm trường tồn đi cùng năm tháng.

Lúc này, nhạc sĩ nở một nụ cười tươi rồi bảo:

- Tôi có được bài hát đó chính là nhờ ông Trần Quang Đạt. Hai tháng đi thực tế từ rừng xuống biển tôi mới hiểu được đất và người Hà Tĩnh, hiểu được mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa Hà Tĩnh, hiểu một Hà Tĩnh đang khát vọng vươn lên, nhờ đó ca khúc ấy mới thành công.

Ông Trần Quang Đạt ngồi cạnh, hút tàn hơi điếu thuốc lá Điện Biên rồi gật gù:

- Không nhạc sĩ nào có sức khỏe dẻo dai và chịu khó trèo đèo lội suối như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Chính từ đam mê âm nhạc và yêu quê hương, đất nước, con người mới có được những nhạc phẩm nổi tiếng như bài hát “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” đó.

Sau khoảng mười lăm phút trò chuyện tâm giao với hai người, tôi xin phép nhạc sĩ làm việc với ông Trần Quang Đạt về kết quả công việc của mình sau chuyến đi Hà Nội về. Ông Đạt rất phấn khởi khi mọi việc Ban thi công công trình giao cho tôi đã đạt được kết quả mỹ mãn. Trước lúc ra về tôi chào nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tôi nắm chặt bàn tay nồng ấm của ông, nói:

-Chắc lần này anh cũng sẽ viết tặng anh em ở đây một bài hát chứ?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trả lời:

- Tất nhiên rồi chú ạ.

Tôi hỏi tiếp:

- Thế anh đã định đặt tên bài hát ấy là gì chưa?

Nhạc sĩ tỏ ra lúng túng, chưa biết trả lời tôi thế nào thì bỗng nhiên ông Đạt lớn tiếng bảo:

- Cứ đặt tên bài hát là “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” cho nó giản dị và thân thuộc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vui vẻ tán thành:

- Cảm ơn anh Đạt! Tôi sẽ đặt tên bài hát như anh vừa gợi ý.

Gần ba tháng sau, một buổi tối, khoảng lúc gần tám giờ, tôi mở Đài Tiếng nói Việt Nam nghe chương trình ca nhạc, lòng đầy rạo rực khi bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” với giọng hát của ca sĩ Thu Hiền lần đầu tiên ra mắt thính giả. Bài hát vừa ra đời nhưng chỉ sau vài ngày đã lan tỏa đi vào trái tim hàng triệu người dân trong cả nước. Đặc biệt, những chàng trai cô gái đang hăm hở thi công trên công trường cứ mỗi phút giải lao, tay còn dính đầy bụi đất vẫn ngồi sát vai nhau cùng hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Bài hát như có một sức mạnh vô hình, cổ vũ hàng vạn người lao động với năng suất cao, góp phần làm nên một kỳ tích lịch sử: Đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ.

Từ buổi gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với ông Trần Quang Đạt tôi càng hiểu và càng phục kế “chiêu hiền, đại sĩ” của ông. Bởi ông tập hợp được đông đảo lực lượng các nhà trí thức, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, khai thác khả năng cống hiến của họ, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung. Dường như ông Trần Quang Đạt đã thấm thía sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, vận dụng nhuần nhuyễn chân lý này vào thực tiễn sôi động và phong phú, để tâm hồn người nghệ sĩ, trái tim người nghệ sĩ đồng hành cùng nhân dân.

Không chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà thời điểm đấy nhiều nhà báo, nhà thơ, nhà văn đã thường xuyên có mặt trên công trường. Họ theo từng nhịp bước của những người lao động quên mình hàng ngày trên công trường, để kịp thời đưa tin bài trên báo, phát sóng trên đài. Lần nào đến công trình hồ Kẻ Gỗ tôi đều gặp gỡ với các anh em báo chí, văn nghệ sĩ Nghệ Tĩnh hồi đó như nhà thơ Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Xuân Hoài… Trong những chuyến đi thực tế dài ngày của các văn nghệ sĩ, họ đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị. Tôi nhớ vào khoảng tháng 9 năm 1978, nhà thơ Xuân Hoài đến trụ sở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Nghệ Tĩnh tặng tôi tập văn thơ “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Rồi ít ngày sau, nhiều bài viết trong tập sách này được các báo Nhân Dân, Văn nghệ và các nghệ sĩ ngâm trong chuyên mục “Tiếng Thơ” Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhắc lại chuyện xây dựng công trình Đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ còn nhiều kỷ niệm lắm. Điều tôi tâm niệm nhất: Đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ không chỉ giúp cho hàng vạn người dân huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Thị xã Hà Tĩnh đổi đời, có cơm no áo ấm mà công trình còn có giá trị tinh thần đối với nhân dân, khích lệ mọi người tiếp tục xây dựng quê hương đất nước.

(...)

Thời kỳ làm việc ở Nghệ Tĩnh là một thời kỳ rất gian khổ, vừa “chạy bữa”, vừa mò mẫm để tìm đường phát triển; tôi đã lăn lộn ngày đêm cùng đồng chí, đồng bào, trong cái khó ló cái khôn, có nhiều sáng kiến để hoàn thành nhiệm vụ, dám chịu trách nhiệm để có những quyết định bứt phá táo bạo.

Có được điều ấy, do trước sau giữ được tình cảm, tâm nguyện của mình là suốt đời vì nước vì dân, “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm”, cái gì có lợi cho Tổ quốc, có lợi cho nhân dân đó là chân lý. Và phải biết học hỏi, tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm từ thực tiễn ở cơ sở; biết dựa vào dân, dựa vào đồng bào, đồng chí. Đó cũng là bài học sâu sắc, thấm thía nhất trong cuộc đời tôi; làm nên thành công trong cuộc đời tôi”.

Trần Quốc Thại

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh