Huyện Cẩm Xuyên có diện tích tự nhiên 637,04 km2, dân số trên 190.830 người, có 21 xã và 01 thị trấn; phía Bắc giáp huyện Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh, phía Đông giáp Biển Đông, phía Nam giáp huyện Kỳ Anh, phía Tây giáp huyện Hương Khê và tỉnh Quảng Bình. Núi và biển chạy song song đăng đối hài hòa, đã tạo nên một Cẩm Xuyên hội tụ đủ các tiểu vùng sinh thái: Đồi núi, đồng bằng, ven biển. Cẩm Xuyên được du khách gần xa biết đến với non nước hữu tình, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú, giàu tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, nổi bật là Khu du lịch biển Thiên Cầm, Khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, các hồ đập lớn như Thượng Tuy, sông Rác...
Hồ Kẻ Gỗ thuộc làng Việt cổ ở xã Mỹ Duệ, nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, cách Thành phố Hà Tĩnh khoảng 15 km về phía Tây Nam. Kẻ Gỗ xưa nằm dọc theo hai bờ sông Rào Cái. Rào Cái là dòng sông hội tụ của hàng trăm dòng kẻ (khe suối) của 2 dãy núi Hoành Sơn và Trường Sơn đổ về. Mùa nắng, sông Rào Cái khô hạn, mùa mưa thường xảy ra ngập úng, lũ quét, trở thành tai ương cho cả vùng phía Nam Hà Tĩnh. Từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã nghĩ đến việc đắp đập chế ngự dòng sông này; họ thiết kế và bắt đầu thi công một số hạng mục công trình thì chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và sau đó là chiến tranh Đông Dương, dẫn đến công trình bị bỏ dở.
Ngày 15/6/1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, khi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh, Bác Hồ đã nhắc nhở “Hà Tĩnh cần lục lại và nghiên cứu hồ sơ hồ Kẻ Gỗ để khi nào có thời cơ thì tiến hành xây dựng”. Sau này, Trung ương đã cử các nhà khoa học thủy lợi Việt Nam vào khảo sát thiết kế công trình. Ngày 23/12/1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định về việc đồng ý xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ. Tháng 1/1976, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sáp nhập, trở thành tỉnh Nghệ Tĩnh; và đúng vào ngày 26/3/1976, công trình thế kỷ đại thủy nông Kẻ Gỗ được khởi công trong sự vui mừng và hào hứng lên đường của hàng vạn người dân Nghệ Tĩnh, đã được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý khắc họa sống động bằng lời dâng tặng cho đời một tác phẩm mang dấu ấn thời đại là bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”: “Ðắp hồ xây đập, ta đưa dòng nước ngọt/ Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm/ Ruộng đồng ta thỏa mơ uớc bao ngàn năm”.
Với chiến dịch thần tốc và “sức mạnh Nghệ Tĩnh”, “tay anh phá đá, tay em đào sỏi…” chỉ tròn 3 năm, ngày 26/3/1979 công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ đã được khánh thành, sớm hơn so với dự kiến 3 năm, lưu vực hồ rộng 223km2 với dung tích 345 triệu m3. Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ chính là công trình của ý Đảng lòng dân, là biểu tượng về ý chí vượt lên gian khó của người dân Nghệ Tĩnh sau khi đất nước hòa bình thống nhất, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Công trình khánh thành được đưa vào khai thác, sử dụng đã thay đổi cuộc sống của hàng vạn hộ dân, vực dậy những vùng quê lam lũ đói nghèo vì thiếu nước trong sản xuất và sinh hoạt, biến vùng đất khô hạn của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh… thành những vựa lúa khổng lồ, thúc đẩy nền nông nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng đột phá, góp phần quan trọng ổn định dân sinh, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đến hôm nay, hồ Kẻ Gỗ vẫn là công trình thủy nông trọng yếu của tỉnh Hà Tĩnh và cũng là một trong những hồ đập lớn nhất Việt Nam, không chỉ đảm bảo công tác cắt lũ, xả lũ, giảm lũ, giảm xói mòn vùng hạ, mà trong suốt gần 50 năm qua dòng nước mát từ hồ Kẻ Gỗ đã nuôi dưỡng những cánh đồng, làng mạc trù phú, giúp bà con nông dân từ chỗ có cơm no nay đã làm giàu khi năng suất lúa bình quân 6 - 7 tấn/ha...
Với phong cảnh hữu tình được kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên trời đất ban tặng và trí tuệ, công sức con người dựng nên, hồ Kẻ Gỗ đã trở thành danh thắng nổi tiếng của quê hương Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, là điểm đến du lịch đầy quyến rũ đối với du khách gần xa. Với vẻ đẹp bốn mùa xanh thăm thẳm, hồ Kẻ Gỗ được ví là “Biển Tây” của huyện Cẩm Xuyên. Len lỏi giữa mênh mông núi rừng, hồ Kẻ Gỗ trở thành chiếc gương lớn phản chiếu sắc núi, sắc đồi nơi đây. Giữa dòng Kẻ Gỗ lãng du nước chảy, cây cối vẫn sinh trưởng và tỏa bóng rợp mát, trên mặt hồ điểm xuyết hàng trăm ốc đảo lớn nhỏ, tạo nên một bức tranh sơn thủy sinh động, in hình bóng diệu kỳ mà hiếm nơi nào có được.
Nằm trong quần thể Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (BTTN), hồ được bao phủ bởi bởi quần thể sinh vật (rừng), trong đó có nhiều loại cây gỗ có tên trong Sách đỏ Việt Nam cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Theo thống kê chưa đầy đủ, Khu BTTN Kẻ Gỗ có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, trong đó có hơn 40 loại cây thân gỗ, có nhiều loại có trong sách đỏ Việt Nam như: Lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã…. Tại đây đã phát hiện được hơn 392 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ; Gà Lôi lam đuôi trắng, một trong ba loài Gà Lôi đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng và nhiều loại quý hiếm khác. Trong 47 loài thú ở đây có 18 loài (chiếm 21%) được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của các loại mộc lan, phong lan đẹp và quý như quế hương, tai tượng, tai trâu, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ…
Hồ Kẻ Gỗ, không chỉ có vẻ đẹp của núi rừng hùng vỹ, thơ mộng, của mặt hồ lóng lánh “gương soi”, mà hồ Kẻ Gỗ còn là địa chỉ đỏ, địa chỉ văn hóa, lịch sử. Nổi bật là Đền thờ Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được xây dựng trên một hòn đảo mang tên Ông; đó cũng là một trong những hòn đảo đẹp nhất, thơ mộng và gần bờ nhất ở hồ Kẻ Gỗ. Đền thờ Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được khởi công xây dựng năm 2011 và khánh thành vào đầu năm 2014; Đền tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ ngay giữa lòng hồ Kẻ Gỗ với khuôn viên có diện tích 320m2, quay về hướng Tây Bắc; đường ra đền thờ đã được xây một cây cầu hình bán nguyệt; Đền thờ được trưng bày các bức ảnh trắng đen, ghi lại cảnh những chuyến thăm, công tác của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ở Nghệ An và Hà Tĩnh và thời điểm thi công hồ Kẻ Gỗ; ngày 18/3/2021, Đền thờ được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Cách Đền thờ Cố Tổng bí thư Lê Duẩn khoảng 45 phút đi thuyền máy trên lòng hồ Kẻ Gỗ, là điểm đến linh thiêng - Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại trận địa sân bay dã chiến Libi và tuyến đường 21, 22 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Công trình Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ được xây dựng với tổng diện tích khoảng 5.000m², do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đứng ra vận động nguồn lực xã hội hóa thực hiện. Khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ từng là chiến trường ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chính ngay giữa lòng hồ hiện nay là con đường chiến lược số 21, 22, sân bay dã chiến LiBi trong kế hoạch bí mật nhằm tạo huyết mạch giao thông mới để quân và dân ta chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam và đánh trả 2 cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc của đề quốc Mỹ. Các công trình này ghi dấu những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân địa phương. Đặc biệt, tại sân bay Libi đã diễn ra các trận tập kích ác liệt của không quân Mỹ vào sáng 02/9/1968 và đêm 7/1/1973, gây nhiều thương vong cho quân dân miền Bắc, cướp đi sinh mạng của nhiều chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và phá hủy hoàn toàn sân bay dã chiến Libi. Được xây dựng trong lòng hồ, hài hòa khiêm nhường giữa các tán cây bản địa, Công trình là một điểm đến tâm linh - sinh thái đặc biệt của Cẩm Xuyên. Bên cạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ngôi đền cũng sẽ gửi đến tương lai một thông điệp về khát vọng hòa bình và phát triển bền vững cho đất nước, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng vẻ vang của quê hương cho các thế hệ.
Cùng với sứ mệnh về kinh tế, dân sinh, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hiếm có và giá trị lịch sử, văn hóa, hồ Kẻ Gỗ đã trở thành đề tài sáng tác, niềm cảm hứng bất tận cho nghệ thuật của các nhà thơ, nhạc sĩ, các nhà làm phim, nhà nhiếp ảnh, báo chí và thời trang... Bên cạnh ca khúc nổi tiếng “ Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đã có hàng chục ca khúc viết về Kẻ Gỗ hoặc nhắc đến địa danh Kẻ Gỗ. Các nhiếp ảnh gia, các hội nghệ sĩ nhiếp ảnh ở khắp mọi miền Tổ quốc đã tìm đến Kẻ Gỗ ở các mùa, các thời điểm khác nhau để sáng tác nên hàng trăm bức ảnh nghệ thuật có giá trị. Nhiều bộ ảnh về các bộ sưu tập thời trang cũng đã được các nhà thiết kế thực hiện tại đây để quảng bá... Nơi đây cũng được đông đảo các nhà khoa học trong nước và ngoài nước tham quan nghiên cứu, được nhiều doanh nghiệp, công ty du lịch trong nước khảo sát, kết nối tour tuyến du lịch.
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và giá trị đa dạng sinh học cao, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã được Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên khóa XXXII xác định nhiệm vụ đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch: “Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển đô thị biển Thiên Cầm, du lịch sinh thái Kẻ Gỗ, Thị trấn Cẩm Xuyên, đưa du lịch và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện”. Hồ Kẻ Gỗ cũng được Tỉnh Hà Tĩnh xác định là một trong những trọng điểm du lịch ưu tiên đầu tư phát triển; UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Hồ Kẻ Gỗ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với diện tích 4.800ha.
Mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực để đầu tư, kết nối, thu hút đầu tư để khai thác, phát triển du lịch hồ Kẻ Gỗ xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, tuy nhiên đến nay việc phát triển du lịch ở Kẻ Gỗ còn nhiều khó khăn, nhất là việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, hoạt động tuyên truyền quảng bá, vì vậy lượng khách đến tham quan chưa nhiều.
Với tiềm năng lớn về cảnh quan thiên nhiên, di sản và những câu chuyện truyền thuyết, lịch sử, hồ Kẻ Gỗ bao chứa nhiều tiềm năng đang chờ đón các nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch sinh thái với nhiều loại hình giải trí như đua thuyền, lướt ván, leo núi, câu cá và xây dựng các khu thể thao, kết nối tour tuyến trong nước và quốc tế. Cùng với du lịch biển Thiên Cầm, thì những dự án du lịch, dịch vụ ở Cẩm Xuyên được đầu tư sẽ góp phần quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương trong tương lai.
Kẻ Gỗ có gì?
Theo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tổng diện tích rừng mà cơ quan này được giao quản lý là 44.271,81 ha, trong đó: diện tích quy hoạch lâm nghiệp là 41.480,71 ha và diện tích đất ngập nước là 2.791,10 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 31.165,67 ha, bao gồm rừng đặc dụng 20.870,45 ha, rừng phòng hộ 8.897,74 ha, rừng sản xuất 1.397,48 ha. Khu BTTN Kẻ Gỗ có một hệ động thực vật rất phong phú với gần 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tại đây đã tìm thấy quần thể của 5 loài chim đặc hữu có vùng phân bố hẹp, trong đó Gà Lôi lam mào đen và Gà Lôi Hà Tĩnh là hai loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Về thực vật có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ Cau dừa. Đặc biệt, vùng rừng hồ Kẻ Gỗ còn sở hữu hơn 40 loài cây thân gỗ, trong đó có nhiều loài gỗ quý, nhiều loài gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam (như sến, lim, táu,..); nhiều loài cây cảnh quý và đẹp như mộc lan, phong lan...
Trong 80 loài Thú đã được ghi nhận được ở Khu BTTN Kẻ Gỗ, có tổng số 40 loài quý hiếm, trong đó có 25 loài trong danh lục đỏ IUCN (2020); 31 loài trong sách đỏ Việt Nam (2007); 46 loài theo phân loại CITES; 36 loài trong Nghị định 06/2019-NĐ-CP ngày 22/01/2019 và 22 loài trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019. Bên cạnh đó, trong 298 loài chim đã được ghi nhận được ở Khu BTTN Kẻ Gỗ, có tổng số 43 loài quý hiếm, trong đó có 13 loài trong danh lục đỏ IUCN (2020); 11 loài trong sách đỏ Việt Nam (2007); 25 loài theo phân loại CITES; 33 loài trong Nghị định 06/2019-NĐ-CP ngày 22/01/2019 và 9 loài trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019. Ở đây cũng ghi nhận có 63 loài Bò sát, trong đó có tổng số 18 loài quý hiếm, trong đó có 10 loài trong danh lục đỏ IUCN (2020); 12 loài trong sách đỏ Việt Nam (2007); 15 loài theo phân loại CITES...
Về giá trị văn hóa, lịch sử, nét đẹp độc đáo, Khu BTTN Kẻ Gỗ có nhiều hồ, đập như: Hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Rào Trổ, Thượng Tuy, Khe Xai... Trong đó, có hồ Kẻ Gỗ là một đại công trình thủy nông cung cấp, điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thủy sản dồi dào; là vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tạo tiền đề cho phát triển du lịch, dịch vụ sinh thái, nghỉ dưỡng. Đồng thời mang giá trị nhân văn, giá trị tinh thần, biểu trưng do con người tạo ra từ xưa đến nay có thể thu hút khách du lịch đến thưởng thức. Các giá trị này sẽ là nguồn tài nguyên du lịch sẽ được đưa vào khai thác cho phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Nguyễn Văn Thành
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên