Anh 1C   cong trinh dai thuy nong

Đập chính hồ Kẻ Gỗ   

Có thể với bây giờ, Kẻ Gỗ được xem là một địa chỉ du lịch hấp dẫn và những kênh mương đầy ắp nước trải nhánh trên các làng quê xanh tít tắp, trù phú đã trở nên quen thuộc. Nhưng diện mạo Kẻ Gỗ và làng quê trước đó ra sao thì có thể rất nhiều người không được biết. Kẻ Gỗ xưa chỉ là một vùng núi đồi hoang vu, những làng quê Cẩm Xuyên, Thạch Hà khi chưa có kênh mương Kẻ Gỗ chảy qua chỉ là những vùng quê khô khát, cằn cỗi, mùa hạ cây cối cháy xém, xác xơ. Nó ám ảnh cả vào trong những câu ca xưa:“Đất Cẩm Bình cày khô cuống rạ/Đít chạc cày(1) trâu ngã lăn quay”. Nó đi vào thơ ca chân thật, sống động:“Đồng Thạch Hà, Cầm Xuyên cò bay cháy cánh/ Tự bao đời, cát nóng bỏng bàn chân/ Con dẽ, con giun khô dưới lớp đất cằn”(2).

Tôi nhớ năm lên bảy, muốn tập bơi phải rủ bạn đi xuống con hói chảy ra sông Hội cách làng hơn ba cây số. Mùa hè nóng như rang, đêm đem chõng, đem chiếu ra đầu ngõ hóng mát. Nằm đếm sao trời, nghe bà kể chuyện“Tống Trân – Cúc Hoa”, nghe bà ngâm Kiều mà vẫn cảm thấy sự nóng rát của những cơn gió nam cào khô khát thổi qua. Nhiều đêm, những đám cháy đốt than đỏ rịn trên Động Choác mang cả mùi khét cháy, oi nồng phả vào làng.

Thế rồi năm 1976, cả làng tôi náo động. Dân công đắp đê Kẻ Gỗ về đầy xóm như hồi bộ đội về trú quân trong những năm chiến tranh. Họ đến từ đủ mọi miền quê ở miền Bắc, miền Trung và chủ yếu là thanh niên. Làng quê xưa không có điện, đêm yên ắng, ngày cũng lặng lẽ trôi trong cảnh đồng áng xuân thu nhị kỳ. Giờ thì sôi động hẳn. Không khí rộn rã, ồn ã ngoài đồng, trong làng cả ngày lẫn đêm. Nhớ nhất và có lẽ là quý nhất là những đêm trăng sáng, dân công các vùng đi hò, đi hát ví giao duyên trên những cánh đồng còn thơm rơm rạ sau gặt, trên những đoạn đê còn đắp dang dở. Ai đã từng ở quê xưa, khi chưa có điện, khi chưa có âm thanh loa đài, xe cộ ồn ã, mới biết được đêm trăng ở quê nó đẹp và thanh tao đến nhường nào. Đúng như Xuân Diệu từng viết:“Bâng khuâng chân tiếc dẫm lên vàng/ Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang”. Thật quý hiếm vì về sau chẳng bao giờ còn gặp được cảnh này. Ngày nay, dân ca ví, giặm chỉ còn trên sân khấu, chẳng bao giờ còn thấy được trong đời thực như tôi được chứng kiến. Có lẽ thế hệ tôi là may mắn nhất vì đã được thấy, được nghe dân ca ví, giặm trong đời thực như thế nào. Năm 2013, tôi và Giáo sư Bùi Quang Thanh ở Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đi điền dã lấy tư liệu lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, đi hết các vùng miền mà chẳng gặp được một không gian diễn xướng nào trong đời thực. Thế là phải thực hiện bằng dạng thức “tái hiện” cái ngày xưa.

Quay lại chuyện dân công đi hò, đi hát ví giao duyên, nhà tôi có hai dân công người xã Thạch Khê ở trọ. Tôi lúc ấy còn bé tý nhưng cũng hay hóng hớt nên nghe được chuyện các anh phải cử một người xin nghỉ để về quê nhờ một cụ ông cao niên chép cho những câu hò ruột để đi hò. Sau này làm văn hóa tôi mới biết Thạch Khê là cái nôi của hò Nghệ Tĩnh. Riêng làng tôi có anh Nhuật, con một, tuổi cũng nhiều mà chưa lấy được vợ vì gái làng gần như không còn có lứa như anh. Bố anh Nhuật liền lập “chiến dịch” để anh tán cho được một cô dân công. Thế rồi tôi thấy anh mặc áo cô-pơ-lin trắng muốt, đêm đêm đi hò, đi ví với cánh dân công. Để thêm phần tự tin anh còn nhờ thêm một anh trong làng biết làm thơ, thuộc nhiều hò vè đi cùng để “gà” bài. Và kế này quả là vi diệu, nhờ đi hò, đi ví mà anh Nhuật lấy được một cô dân công người Đức Thọ xinh xẻo, đảm đang. Không chỉ anh Nhuật mà còn có khá nhiều những đôi lứa nên duyên trên công trường Kẻ Gỗ nhờ những đêm đi hò, đi ví như vậy. Mỗi thời mỗi khác nhưng so với bây giờ, chuyện tình yêu xưa quả là văn hoá và thơ mộng biết bao. Tuy nhiên không phải đi hò, đi ví rồi ai cũng thành chồng thành vợ. Vậy nên khi các đoàn dân công đắp xong kênh mương phải trở về quê hương, lúc giã bạn, lại có những câu hò mượn của người xưa để thổ lộ lòng mình thật thiết tha, ngậm ngùi, da diết:“Rồi mùa toóc rạ rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”.

Những năm tháng lao động trên công trường Kẻ Gỗ, người dân công đã sáng tác ra rất nhiều câu hò, điệu ví, tiếc rằng những năm tháng đó chúng ta đã không có ý thức sưu tầm, lưu trữ, vì thế đã mất đi khá nhiều những “vàng ròng” dân ca xứ Nghệ của giai đoạn này. Những câu hò, điệu ví thời đó được sinh ra trực tiếp từ đời sống lao động sản xuất, đắp đập, xây hồ, làm kênh mương chứ không phải trong các cuộc thi sáng tác, hay theo những đơn đặt hàng như hôm nay. Không gian diễn xướng là không gian thực, đó là công trường, là đồng quê. Dù còn bé tý, chỉ đi hóng các anh chị đi hò, đi hát ví nhưng đến nay tôi vẫn còn nhớ được một câu hò rất nổi tiếng thời đó: “Ngày xưa lều chõng đi thi/ Ngày nay lều chõng ta đi công trường”.

Làng tôi trồng chè, trồng trầu. Chè và trầu là thu nhập cơ bản của mỗi hộ gia đình. Về mùa hè, chè và trầu bán rất chạy nhưng chúng lại cần đủ nước nên mỗi nhà đều phải đào một cái ao trong vườn lấy nước tưới. Để có được một cái ao nhiều nước, các hộ dân thường phải mời một cụ cao niên thông tường thiên văn, địa lý chỉ chỗ đào ao. Tôi còn nhớ cái ao nhà tôi do cố Ứng xem đất, xem mạch rất công phu nhưng rồi cũng phải đào đến hai chỗ mới có nước. Xưa phải tát nước ao bằng gàu dai để tưới chè, tưới trầu. Nước mạch ít nên cứ tát vài tiếng là ao cạn. Lại phải chờ ba, bốn tiếng sau nước mới lên đủ để tát. Thế là nửa đêm dậy tát nước, sáng, trưa, chiều, cứ cách ba bốn tiếng lại tát nước. Khi hồ Kẻ Gỗ hoàn thành, những kênh mương tràn trề tưới mát đồng quê, thôn xóm; nước tràn ao hồ, tha hồ tát nước cho chè, cho trầu. Thậm chí có những vườn chẳng cần phải tát nữa, nước tự chảy vào vườn. Mùa hạ mà cây trái cứ xanh mướt, chả bù cho ngày xưa đến bờ tre, bụi hóp cũng khô cháy với gió Lào. Từ khi có nước Kẻ Gỗ, đêm hè gió thổi vào nhà mang hơi nước mát mẻ, xóm thôn no ấm hẳn, làm đồng đỡ nhọc nhằn mà thu nhập hơn xưa. Mẹ tôi từng thốt lên:“Không có chi sướng bằng có nước Kẻ Gỗ con nạ”. Quả đúng vậy, với một bà nông dân cả đời vất vả với ruộng vườn thì quả là không có gì sướng hơn khi ruộng đồng, vườn tược đang khô khát bỗng dưng có nước.

Nhưng có lẽ vui nhất là những đứa trẻ trâu như chúng tôi. Xưa đi tập bơi phải đi ba cây số, giờ chỉ cần vài ba bước ra con kênh trước làng là tha hồ bơi lội. Thế hệ tôi và những bọn trẻ trâu sau tôi biết bơi là nhờ kênh mương Kẻ Gỗ. Và có lẽ không gì sướng bằng những trưa hè nóng bức chạy ra kênh nhảy tòm xuống kênh quẫy lộn, đùa nghịch với nhau dưới dòng nước mát rượi. Kênh mương Kẻ Gỗ không chỉ mang nước về mà còn mang theo cả tôm, cá. Những ao hồ hai bên kênh và những chân ruộng cá tôm nhiều hẳn lên. Bắt cá không chỉ là thú vui mà còn là “nhiệm vụ” của chúng tôi ở cái thời buổi đói ăn, đói mặc ấy. Trẻ trâu chúng tôi hầu như ngày nào cũng kiếm được một vài xâu cá về cho mẹ. Sau này do dùng kích điện và thuốc trừ sâu quá nhiều nên cá, tôm hết dần. Thật tiếc.

Với tôi, ký ức về Kẻ Gỗ luôn là ký ức đẹp. Nó gắn với tuổi thơ hoang dại của tôi, gắn với những niềm vui của bà con làng xóm, của ông bà, bố mẹ và của chính bản thân tôi. Kẻ Gỗ đã, đang và sẽ luôn là cội nguồn tốt tươi của cuộc sống. Xin được dùng những dòng thơ của nhà thơ Xuân Hoài viết vào tháng 5/1977 trong bài “Nước hồ Kẻ Gỗ” làm lời kết cho một thời để nhớ:

“Lòng vui muốn chia trăm dòng nước chảy

Nước lên đồng trẻ lại cả trời mây .

Mây cũng xuống với bầy em bơi nhảy

Trời xanh soi gương mặt mới đất này”

Thái Văn Sinh