Anh hãy về Hà Tĩnh quê em/Để ngắm sương giăng trên hồ Kẻ Gỗ/Đêm trăng thanh say câu hò điệu ví/Vọng câu Kiều giữa sóng nước mênh mang...
Theo câu hát tìm về Kẻ Gỗ, tôi thấy mặt hồ mênh mang, thăm thẳm. Mùa xuân nắng trải, nền trời xanh biếc không chút gợn mây. Cảnh sắc thiên nhiên đổ bóng xuống mặt hồ càng thêm huyền ảo, lung linh.Trong khung cảnh đầy chất thơ nhạc ấy, tôi cảm nhận con nước như dòng sữa mát lành từ lòng hồ theo các con kênh tít tắp chảy về tắm mát những ruộng lúa đương thì con gái.
Có thể nói, hồ Kẻ Gỗ là biểu tượng về ý chí vượt lên khó khăn, gian khổ và tinh thần tự lực, tự cường của người dân Nghệ Tĩnh (nay là Hà Tĩnh). Công trình không chỉ là bước đột phá thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, mà còn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vốn nghèo đói, xác xơ bởi chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên tai. Hồ Kẻ Gỗ có dung tích 345 triệu m3 nước, thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, cách TP Hà Tĩnh 20 km về phía Tây Nam. Công trình này không chỉ có nhiệm vụ giảm lũ cho vùng hạ du vào mùa mưa, mà còn phục vụ tưới tiêu cho vùng sản xuất rộng lớn với 19.500 ha lúa của 3 địa phương: Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và Thạch Hà.
Để xây dựng được công trình đại thủy nông tầm cỡ như vậy, phải có hàng vạn công nhân, thanh niên xung phong, dân công, bộ đội, dân quân...tiên phong vào chiếm lĩnh “trận địa” là những rừng cây, ngọn đồi, khe suối. Họ lao động miệt mài, hăng say suốt ngày đêm, nếm mật nằm gai, đối mặt gian nan thử thách với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ căng tràn sức sống. Họ làm việc cật lực ba ca mỗi ngày trong điều kiện số lượng máy móc khan hiếm. Họ làm việc bằng nhưng đôi bàn tay chai sạn, rộp phồng bỏng rát.
Ngày ấy, các lực lượng thi công sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Cơm độn toàn ngô, khoai không đủ no; áo quần mặc không đủ ấm về mùa đông, phong phanh giữa mùa hè. Ai cũng chung tay gắng sức phấn đấu cho công trình vượt tiến độ đề ra. Ngày ấy trên công trường hừng hực khí thế làm việc của những người đi mở lối. Tổ này đào đất đắp đê; nhóm kia vận hành các cỗ máy xúc, máy ủi; bộ phận khác lại thay nhau đào hố, chôn cọc. Thay vì máy ép, khoan, nhồi như bây giờ, toàn bộ thợ đào giếng của các địa phương lân cận được huy động để đào hố cọc. Gian khổ là thế, vất vả là vậy nhưng không ai nao núng tinh thần, không ai nề hà cực khổ, than phiền khó nhọc hay toan tính thiệt hơn.
Hồ Kẻ Gỗ qua góc nhìn của NSNA Nguyễn Thanh Hải
Thuở ấy, những người phần lớn thuộc thế hệ 5X sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Ngày hòa bình, họ có mặt trên công trường đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ ở độ tuổi đôi mươi, mới rời ghế nhà trường, hoặc vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về với đời thường. Dẫu vẫn biết rằng, đặt chân tới vùng đất Kẻ Gỗ là đối mặt với thử thách và gian khó, nhưng họ vẫn xung phong vào “trận tuyến mới” với tinh thần tự nguyện, đầy tinh thần lạc quan như câu hát: “Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục” trong ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Ca khúc để đời ấy đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, “tiếp sức” cho biết bao chàng trai, cô gái hăng say lao động không kể ngày đêm. Ngày ấy, những ca từ trong trẻo của bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” liên tục được phát trên loa truyền thanh và hầu hết người lao động trên đại công trường đều thuộc lòng và hát vang cho vợi bớt bao nỗi nhọc nhằn, gian lao.
Hành hương về hồ Kẻ Gỗ bất cứ người dân và du khách nào cũng đến thăm và kính cẩn dâng hương đền thờ cố Tổng bí thư Lê Duẩn - người có nhiều quyết sách tâm huyết, quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, vững bước đi lên dựng xây cuộc sống mới. Công trình nằm trên đỉnh một đảo nhỏ ven bờ, có cây cầu dài 137m từ đất liền ra. Đây là nơi đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nghỉ lại trong chuyến thăm hồ Kẻ Gỗ năm xưa. Ngôi đền được hoàn thành vào năm 2014 bằng lối kiến trúc giản dị với những hàng cột lim vững chãi. Từ trên cao nhìn xuống ngôi đền như một đài hoa bát giác giữa sóng nước lung linh, lấp lánh như dát bạc. Lối dẫn lên đền có 57 bậc thang lát những phiến đá màu xám bình dị, được khai thác từ vùng quê Thanh Hóa. Trong đền hướng chính điện có tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn ở vị trí trang nghiêm. Đền thờ đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đây là minh chứng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân xứ Nghệ trung dũng, kiên cường, mà nhân ái và độ lượng, khoan dung...
Đến thăm hồ Kẻ Gỗ, tôi được người dân nơi đây kể về những câu chuyện xúc động lay động lòng người. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ là chiến trường ác liệt. Tại khu vực này, quân đội ta đã tiến hành xây dựng sân bay dã chiến Libi và các tuyến đường bí mật nhằm tăng cường khả năng chi viện cho chiến trường miền Nam. Công trình được xây dựng bởi sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ thanh niên xung phong (TNXP), cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Tại vùng đất này, máy bay địch thường xuyên tổ chức các trận tập kích ác liệt, gây cho ta nhiều thương vong. Đau đớn nhất là trận tập kích vào đêm 7/1/1973, đã khiến nhiều chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, TNXP hy sinh, sân bay dã chiến Libi bị phá hủy hoàn toàn. Sau ngày hòa bình lập lại, hồ Kẻ Gỗ được xây dựng và khánh thành, mặt nước dâng cao che dần dấu tích một thời chiến tranh ác liệt. Nhưng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự tâm huyết của Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cùng các tổ chức, đơn vị, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm chung tay, góp sức, ngôi miếu thờ trước đây đã được tôn tạo thành ngôi đền thờ trang nghiêm, thành kính giữa vùng trời nước linh thiêng.
Giờ đây, hồ Kẻ Gỗ không chỉ cung cấp nguồn nước tưới tiêu đồng ruộng, mà còn trở thành địa chỉ hấp dẫn mời gọi du khách trong nước và quốc tế đến nơi này bởi vẻ đẹp duyên dáng, nên thơ. Đến với hồ Kẻ Gỗ, du khách sẽ được bách bộ giữa các triền núi vang rộn tiếng chim ca, được phóng tầm mắt ngắm mặt hồ như chiếc gương khổng lồ soi bóng những rừng cây xanh ngút ngàn tầm mắt. Trên mặt hồ lãng đãng sương giăng là những ốc đảo nhỏ mang nét đẹp huyền bí, phủ kín cây xanh và được tô điểm bởi sắc màu của các loài hoa: mộc lan, quế hương, nghinh xuân và phượng vỹ. Vào mùa con nước cạn, ven những triền đồi đầy ắp cát sỏi óng ánh lộ thiên giống như những bãi biển thu nhỏ. Những ngày hè nắng trải, không khí trong lành, gió từ mặt hồ mát rượi. Từ trên cao nhìn xuống, du khách thỏa thích ngắm trời mây trong xanh in hình lên mặt nước hồ phẳng lặng. Ven mặt hồ, vây quanh hòn đảo nhỏ là các loại cây xanh, hoa lá điểm sắc tạo nên khung cảnh thật thanh bình. Những ngày cuối tuần, du khách có thể lên những chiếc thuyền lướt chầm chậm trên mặt hồ xanh ngắt, tận hưởng cảm giác thư thái giữa khung cảnh đầy chất thơ, nhạc trong lãng đãng sương giăng.
Chính nét đẹp kỳ vỹ của hồ Kẻ Gỗ đã trở thành cảm hứng chủ đạo của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ cho ra đời những tác phẩm để đời. Trong số đó phải kể tới nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Hải – một người con của quê hương Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Bằng cảm xúc, niềm đam mê nghệ thuật và những ngày trải nghiệm của chính mình, Nguyễn Thanh Hải đã có những bức ảnh đẹp về cảnh sắc thiên nhiên vùng hồ Kẻ Gỗ.
Về thăm quê lần này, đứng giữa cánh đồng sau mùa cày ải no nước, đất đai tươi màu hứa hẹn vụ mùa bội thu, tôi mới càng thấy thấm thía câu ông cha ta thường nói: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước từ hồ Kẻ Gỗ về sớm, nước về tới đâu, máy cày, máy bừa chạy tới, chạy lui làm đất tới đó. Đây cũng là thời điểm bà con tất tả trên cánh đồng tranh thủ là lại mặt ruộng cho bằng phẳng trước khi gieo giống. Có nguồn nước, bà con nông dân mới chủ động được thời gian để gieo cấy kịp thời vụ.
Đứng trước khung cảnh thanh bình, no ấm của làng quê vào mùa gặt hái, tôi cảm nhận được rằng: Hồ Kẻ Gỗ - công trình đại thủy nông được xây dựng trong vòng 3 năm (1976 - 1979) bằng ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm của cả một thế hệ cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân quân, công nhân...không ngại “bạt núi, ngăn sông” để chinh phục thiên nhiên để góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ròng rã gần 50 năm qua, hồ Kẻ Gỗ như dòng sữa mát lành, tinh khiết nuôi dưỡng những cánh đồng phì nhiêu, những làng mạc trù phú. Những vùng đất một thời khô xạm, cằn cỗi được tưới tắm từ dòng nước mát lành này không chỉ giúp bà con có cơm no, áo mặc, mà còn giúp họ vươn làm giàu bằng chính công sức của mình trên những cánh đồng mẫu lớn với năng suất lúa bình quân 6 - 7 tấn/ha...
Lịch sử vẫn trôi theo chiều biến thiên của thời gian nhưng sẽ không bao giờ lãng quên công ơn của hàng vạn người con đã đổ mồ hôi, trí tuệ và công sức của một thời xẻ núi ngăn sông, chinh phục thiên nhiên làm nên hồ Kẻ Gỗ. Để có được dòng sữa mát lành tưới tiêu cho những cánh đồng xanh bát ngát, đã phải hi sinh rất nhiều. Để thỏa lòng mong ước của hành vạn người dân có nước về với đồng ruộng, nhiều cư dân sinh sống trong vùng lòng hồ chấp nhận hiến đất, dỡ nhà mà không toan tính thiệt hơn. Sự mất mát hi sinh của bao người để có được dòng nước mát lành dệt những mùa màng ấm no như hôm nay...
Phan Tiến Dũng