Vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ bao gồm 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà (và sau này có cả thành phố Hà Tĩnh) của tỉnh Hà Tĩnh, với hơn 30 vạn nhân dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và hoa màu. Mà chúng ta biết sản xuất nông nghiệp khâu đầu tiên là nước “Nhất nước, nhì phân, tam cần và tứ giống”. Trước đây khi chưa xây dựng hồ Kẻ Gỗ, việc làm thuỷ lợi dẫn thuỷ nhập điền ở đây hầu như chưa có, mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên, “nước trời” là chính. Có thể nói vùng đất này luôn bị “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn”, thiên tai luôn đe dọa cuộc sống thường nhật con người từ thượng nguồn cho đến cửa biển. Đời sống nhân dân vô cùng bấp bênh. Có một câu ca dao trước đây mà nay chúng ta nghe không khỏi chạnh lòng “Dân Kỳ La, Tây tha thuế”, (dân Kỳ La tức dân của huyện Cẩm Xuyên), nói về nhân dân vùng này cuộc sống hết sức khó khăn, đến nỗi chế độ thực dân phong kiến cũng phải tha thuế cho họ. Cho nên việc xây dựng Đại công trình thuỷ nông Kẻ Gỗ đã đáp ứng được nguyện vọng và lòng mong đợi của nhân dân địa phương tỉnh Hà Tĩnh và nhất là nhân dân huyện Cẩm Xuyên.

Theo các tài liệu lưu trữ hiện còn cho biết, năm 1934 nhà cầm quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành khảo sát đắp đập ở vùng Kẻ Gỗ. Năm 1943 họ đã làm một số kênh chính và kênh phụ, nhưng sau đó đã bị quân phát xít Nhật cản trở; và cũng do kỹ thuật lúc bấy giờ chưa xử lý được nhiều vấn đề về thuỷ lợi và cũng do tình hình thế chiến thứ 2 bùng nổ lan rộng nên phải dừng lại. Năm 1954, sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khi bàn về phát triển kinh tế nông nghiệp, thuỷ lợi đã đề cập đến việc xây dựng công trình Kẻ Gỗ. Ngày 15 tháng 6 năm 1957, khi về thăm và làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, Bác Hồ kính yêu cũng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chú ý đến việc làm giao thông thuỷ lợi và phát triển kinh tế nông nghiệp. Cuối năm 1957, Uỷ ban hành chính tỉnh đã tiến hành tập hợp các tài liệu kỹ thuật, lập tổ theo dõi thuỷ văn tại vùng Kẻ Gỗ. Đến tháng 8 năm 1963, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh, vấn đề xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã được nêu ra và đề xuất Trung ương cho xây dựng. Tuy nhiên sau đó do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nên việc này phải dừng lại, song lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vẫn triển khai tiếp tục các vấn đề khảo sát đánh giá về kỹ thuật, về điều kiện thổ nhưỡng thuỷ văn, về kết cấu các tầng đất đá… Năm 1967, Bộ Thuỷ lợi đã cử các chuyên gia vào khảo sát lập dự án và đến tháng 12 năm 1974, Chính phủ đã có quyết định phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế xây dựng lòng hồ chứa nước Kẻ Gỗ.

anh 4

Có thể nói việc xây dựng hồ Kẻ Gỗ là mong ước ngàn đời của nhân dân 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà nói riêng và của nhân dân Hà Tĩnh nói chung. Cho nên sau ngày đất nước hòa bình, việc tiếp tục triển khai xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ đã làm cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vô cùng phấn khởi, với khí thế “dời non lấp biển, sắp xếp lại giang sơn”. Nhưng trước đó vào tháng 2/1975, khi nước nhà đang phải tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược, đất nước đang tập trung mọi nguồn lực chi viện cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 ở miền Nam, tỉnh Nghệ Tĩnh chưa được sát nhập, công trường xây dựng Kẻ Gỗ đã được thành lập và bắt đầu triển khai một số công việc như thành lập Ban chỉ huy, xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông, liên lạc, sản xuất vật liệu xây dựng đá cát sỏi, ưu tiên huy động lực lượng xe, máy móc thiết bị tập trung tại công trình,… Tháng 6/1975, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 2.000 lao động thủ công, cuối năm 1975 có 2.500 lao động thủ công làm kênh mương và đưa xe, máy hoạt động trên khu vực đập đầu mối. Những hoạt động chuẩn bị đó đã thể hiện rõ hơn tinh thần, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng đại công trình này. Và đến ngày 26/3/1976, công trình được chính thức khởi công, do Bộ Thủy lợi và UBND tỉnh Nghệ Tĩnh phát động cùng xây dựng. Dự kiến công trình thực hiện trong 6 năm, tuy nhiên với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh đã rút ngắn xuống còn 3 năm và đến ngày 26/3/1979 hoàn thành, thỏa lòng mong ước của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Các hạng mục lớn của công trình Kẻ Gỗ có phần đầu mối gồm một đập chính, 10 đập phụ, một công trình xả lũ, một cống lấy nước bằng bê tông cốt thép, một nhà máy thuỷ điện đặt sau cống lấy nước. Phần kênh mương gồm kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4 dài 904km và 3.600 công trình trên các kênh.

Việc sát nhập 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào ngày 27/12/1975 để trở thành tỉnh Nghệ Tĩnh rộng lớn và dân số đông, tiềm lực hùng mạnh đã huy động được hàng vạn lao động trực tiếp trên công trường. Hàng ngày, trong 3 năm xây dựng có trên 10.200 người trực tiếp lao động công trình. Tỉnh Nghệ Tĩnh đã huy động nhân tài vật lực của tất cả 27 huyện, thị xã và thành phố tham gia với khí thế đưa dòng nước mát tưới cho đồng ruộng đang khao khát chờ mong và với tinh thần “Lều chõng cộng với tấm lòng Cộng sản đi xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội”,“Có một viên gạch, một lao động cũng dành cho xây dựng hồ Kẻ Gỗ”, một khí thế xây dựng hết sức khẩn trương “Tay anh phá đá, tay em đào sỏi”. Có thể nói chưa có công trình nào mà huy động được một khối lượng lớn lao động và máy móc thiết bị để thi công như hồ Kẻ Gỗ. Họ tự túc lương thực thực phẩm, ăn ở lán trại tạm bợ trong một thời gian dài nhưng rất kỷ luật và trật tự. Công trình đã đào đắp được 10.428.000m3 đất đá, xây đúc 62.000m3 bê tông và hàng vạn m3 đá xây lát, cất bốc trên 20.000 mồ mả, di chuyển 1.200 hộ dân về khu định cư mới, cải tạo được 7.000ha ruộng đất canh tác…

Sau khi hoàn thành hồ Kẻ Gỗ có lưu vực rộng 223km2, lòng hồ rộng 2,9km dài 22km, trữ lượng nước 345 triệu m3, nước từ hồ theo các kênh chính dài 250km tưới cho 24.136ha đất canh tác của 3 huyện thị và giúp cho 30 vạn nhân dân xung quanh vùng Kẻ Gỗ, bao gồm các xã của huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh ngày ấy thoát cảnh hạn hán, lụt lội. Huyện Cẩm Xuyên đã trở thành vựa lúa của tỉnh nhờ lợi ích của công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ mang lại, năng suất lúa bình quân tăng lên hàng năm nhờ những dòng nước qua các kênh N1, N2, N3 đưa đến. Đời sống nhân dân đã được nâng lên một cách rõ rệt, nhiều xã của huyện Cẩm Xuyên đã có thu nhập 1 tấn/người/năm, một điều tưởng như không thể trước đây. Diện mạo nông thôn đổi thay nhanh chóng. Từ ngày có nước về đồng, cỏ cây xanh tốt, không khí trở nên mát mẻ, lúa trồng được 2-3 vụ, ngô khoai đầy nhà, cuộc sống đói khổ đã bị đẩy lùi hoàn toàn. Người dân không phải lo bữa ăn hàng ngày và ngày càng vươn lên làm giàu trên những dòng nước mát Kẻ Gỗ. Công trình này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là một công trình văn hóa. Ở đây một vùng cảnh quan sinh thái phục vụ du lịch đã hình thành, trở thành đề tài của nhiều ca khúc, thơ ca nhạc họa… Trong đó ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Có thể nói công trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ là biểu hiện của tinh thần cách mạng, sáng tạo, lao động cần cù, có tổ chức, kỷ luật và kỹ thuật, của tinh thần làm chủ tập thể, của sức mạnh tổng hợp 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Là biểu tượng sinh động của liên minh công nông thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Là bản anh hùng ca của đất nước ta sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, đi lên xây dựng cuộc sống mới.

DJI 0371

Công trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã làm thay đổi diện mạo của một vùng quê rộng lớn, góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân địa phương và là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh - Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ cùng với khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có diện tích 24.801ha (không kể vùng đệm 21.400ha) đã trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn, với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du thuyền trên hồ, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt khi đến đây, chúng ta sẽ ghé thăm, dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một công trình biểu tượng cho tình cảm thiêng liêng, cao quý về lòng biết ơn của các thế hệ người dân Hà Tĩnh đối với Cố Tổng Bí thư, nghe các câu chuyện kể về quá trình xây dựng công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ, về các sự kiện lịch sử thời chống Mỹ cứu nước, trong đó có chứng tích của đường 22 chiến lược và sân bay dã chiến Libi huyền thoại đang nằm sâu dưới lòng hồ của vùng thượng nguồn.

Trí Sơn - Đức Cường