Thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ, nhưng những ký ức về quá trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ vẫn còn in đậm trong tâm trí của những con người từng góp phần làm nên kỳ tích thuở ấy. Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ không chỉ là một biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, tinh thần lao động kiên trì mà còn là một công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp và đời sống của người dân Hà Tĩnh.
Kỳ tích công trình hồ Kẻ Gỗ
Hồ Kẻ Gỗ chính thức khởi công vào năm 1976 và chỉ sau 3 năm đã hoàn thành, đưa nước về tưới mát cho hàng nghìn ha đất khô cằn, tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh. Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, tự hào chia sẻ rằng công trình này đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, giúp hàng vạn người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Vào những năm trước khi có hồ Kẻ Gỗ, người dân Hà Tĩnh luôn phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Vào mùa hè, nắng hạn khiến sông hồ cạn kiệt, đồng ruộng khô khốc, còn vào mùa mưa, lũ lụt kéo dài nhấn chìm cả làng mạc. Trước thực trạng đó, ý tưởng xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã được Bác Hồ gợi ý trong chuyến thăm Hà Tĩnh năm 1957. Đến năm 1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chính thức ký quyết định phê duyệt xây dựng công trình, và chỉ hai năm sau, ngày 26/3/1976, lệnh khởi công đã được phát ra.
Theo tư liệu, quá trình xây dựng hồ thuỷ nông lúc đó trên công trường hồ Kẻ Gỗ là cả một biển người với hơn 6 vạn người gồm dân công, thanh niên xung phong, công nhân các công ty thủy lợi, đơn vị xây dựng, giao thông. Người dân từ 28 huyện, thị trong tỉnh Nghệ Tĩnh như: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu đến Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghĩa Đàn, Hương Khê đến miền xuôi Nghi Xuân, Nghi Lộc đều đổ về Kẻ Gỗ. Mỗi người mang theo quang gánh trong đó có gạo, củi, đuốc, nước mắm, ruốc, muối để ăn uống trên đường đi. Cứ mười người mang theo một cây cờ, tạo nên một rừng cờ nối đuôi nhau đổ về Kẻ Gỗ.
Bà Nguyễn Thị Hoán (trái) kể lại với các nhà báo về những ngày tháng "phá đá,đào sỏi" xây dựng hồ Kẻ Gỗ
Ở Trung ương cũng huy động các Công ty 3, Công ty 4, Cơ khí Hà Nam Ninh, các bộ phận lắp ghép điện... thành lập nên Ban A bao gồm các kỹ sư đầu ngành của thủy lợi cùng với Trung đoàn 375 của Quân khu IV. Trên đại công trường Kẻ Gỗ có nhiều tiểu công trường với nhiều lực lượng, trong tay là cuốc, xẻng, quang gánh, đèn măng sông... khẩn trương làm việc.
Thời điểm lịch sử đó nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã có mặt và đã sáng tác ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” với những ca từ xúc động: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh... Tay anh phá đá, tay em đào sỏi, ngồi trong xe ủi anh nhớ những ngày hè, chân lội qua khe em nhớ mùa đông giá”. Bài hát đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, động viên những đôi bàn tay hăng say lao động không kể ngày đêm.
Với chiến dịch thần tốc và “sức mạnh Nghệ Tĩnh”, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ đã được hoàn thành vào năm 1978, sớm hơn so với dự kiến 3 năm. Công trình có một đập chính và 3 đập phụ với 17,2km kênh chính; 98,7km kênh cấp 1; hàng ngàn km kênh cấp 2, cấp 3 và 3.168 công trình trên kênh.
Hồi ức về những ngày lao động gian khổ
Nhắc đến công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ là nhắc đến “mối tình” thiết tha của Nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Đã 45 năm trôi qua nhưng người Hà Tĩnh vẫn chưa bao giờ quên những đóng góp của hàng vạn đồng bào từ miền núi Tương Dương, Quế Phong, Tân Kỳ đến miền xuôi Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số đã đổ mồ hôi trên công trường Kẻ Gỗ. Có thể nói, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, sự đoàn kết của Nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh sau khi sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh (tháng 1/1976) đã tạo ra sức mạnh làm nên công trình thủy nông lớn nhất đất nước thời bấy giờ.
Trong sự khâm phục và ngưỡng mộ về một công trình đại thủy nông ấy, xuôi dòng Kẻ Gỗ, tôi may mắn khi được gặp lại cựu Bí thư Chi đoàn xóm Mặc Tảo, xã Diễn Lâm (Diễn Châu, Nghệ An) những năm 1975 - 1979. Đó là bà Nguyễn Thị Hoán, hiện sống ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) - một nhân chứng sống về một thời “phá đá, đào sỏi”.
Bà Hoán kể: “Năm 1976, đất nước đã thống nhất, Nghệ An - Hà Tĩnh về chung “một nhà”, người dân chúng tôi thêm phấn khởi và hào hứng. Khi được huy động đi xây hồ Kẻ Gỗ, tâm trạng chúng tôi rất háo hức. Một không khí thi đua sôi nổi diễn ra. Hàng đoàn lực lượng thanh niên nối nhau, rộn ràng vác theo cuốc, xẻng, gánh gạo, mắm muối đi bộ hàng trăm km để vào Cẩm Xuyên đắp đập, xây hồ”.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở làng quê thanh bình, nhấm nháp cốc chè xanh, mắt hướng ra vườn cây trĩu quả như một sự minh chứng cho thành quả từ công trình thuỷ nông đem lại, bà Nguyễn Thị Hoán hào hứng nhớ lại: “Thời điểm chúng tôi nhận nhiệm vụ đi xây hồ Kẻ Gỗ là tháng 6/1975, lúc đó miền Nam vừa được giải phóng, niềm vui hân hoan, rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi người. Đơn vị tôi vừa mới thành lập, gồm 600 người, đa số là nữ. Phần lớn là những TNXP vừa rời chiến trường trở về. Thay vì tâm lý nghỉ ngơi, chúng tôi đều cảm thấy phấn chấn, hào hứng trên mặt trận mới, xây dựng và phục hồi đất nước sau chiến tranh”.
“Trước lúc tiến hành xây dựng, hồ Kẻ Gỗ bây giờ là vùng lòng đất rộng mênh mông, đồng hoang, nước mặn, đồi núi nhấp nhô, dân cư thưa thớt và nghèo đói. Để “nên hình, nên dạng” một công trình thủy nông chứa đầy nước ngọt tưới tắm cho hàng vạn ha đất cằn cỗi rộng lớn thành xanh tươi, trù phú vùng Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh như bây giờ, công việc của những đơn vị tiền trạm khai phá lòng hồ vô cùng vất vả.
Nhiệm vụ lực lượng TNXP lúc bấy giờ là tiến hành cải tạo những mặt bằng nham nhở giữa lòng hồ để làm đường; lập các lán trại cho công nhân cư trú; sản xuất các vật liệu phục vụ cho công việc xây dựng… Bên cạnh khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện hằng ngày, chúng tôi còn phải đối diện với muôn vàn khó khăn như: thiếu thốn lương thực, thường xuyên đối diện với sốt rét, thú rừng hung dữ… Tuy nhiên, bằng tinh thần và nghị lực, tất cả mọi người đều hăng say lao động”.
Cũng nhờ đi xây hồ Kẻ Gỗ, sau này (năm 1979), bà gặp chồng mình là ông Trần Duy Lộ, người Cẩm Bình lúc đó đang là bộ đội đóng quân ở huyện Yên Thành. Chuyện tình của cô thanh niên Nghệ An đi xây hồ Kẻ Gỗ và anh bộ đội xứ Cẩm đã có kết quả viên mãn, khi ông Lộ và bà Hoán có với nhau 4 đứa con, đến nay đều thành đạt.
Bà Ngô Thị Chu (sinh năm 1956, thôn Minh Lạc, xã Cẩm Yên) cũng là một dân công tham gia xây hồ Kẻ Gỗ ngày ấy kể: “Khi đó tôi mới học xong phổ thông, còn chưa lấy chồng thì cũng như nhiều thanh niên khác đi xây Hồ Kẻ Gỗ. Hồi đó không kể hết cái vui vì tham gia chủ yếu là thanh niên trẻ tuổi”.
Bà Chu cho biết, để đào đất đắp đập chính và các tuyến kênh, mọi người dùng đủ các phương tiện. Ấn tượng không thể quên với bà là dân Nghệ An thì dùng gióng ba tao (mỗi bên quang gánh là gióng có 3 dây mũi, phía dưới là rổ, khi đổ đất không cần phải thả gióng xuống mà nghiêng lại để đổ đất nên vận chuyển được nhanh – bà Chu giải thích), dùng cắt kéo để cắt đất sau đó mỗi người vác hòn đất đó lên đắp đập, đất vào mùa hè khô quá thì dùng cuốc chim để mổ. Sau này để chở được nhanh hơn thì dùng xe cút kít. Cứ sáng sớm là mọi người dậy đi làm, tối mịt mới về.
“Đi làm về thì đã có cấp dưỡng nấu cơm. Hồi đó có gạo tấm Triều Tiên ngon và dẻo lắm, rồi cứ mỗi tháng thì có một bữa thịt để bổ sung dinh dưỡng. Ngoài ra mọi người còn rang gạo để nấu canh, khi đó không có muối lạc như bây giờ mà dùng gạo để rang với muối chan cơm để ăn (muối gạo). Chỗ ngủ thì dùng hai cây phi lao đặt song song hai bên, ở trên dùng tre nứa làm sàn rồi trải chiếu để ngủ. Vì hầu hết toàn là thanh niên nên ngày đi làm, tối về là rủ nhau đi chơi, hát hò, đặc biệt là thi hò ví dặm giữa các xã với nhau. Chơi về thì tranh nhau ngủ không thì hết chỗ”, bà Chu nhớ lại…
Gặp lại những con người từng đổ mồ hôi trên công trường năm xưa, ai nấy đều tự hào vì đã góp phần tạo nên một công trình vĩ đại. Mỗi người một câu chuyện, nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào khi nhắc về những tháng ngày vất vả mà ý nghĩa ấy. Những nụ cười, những ánh mắt sáng ngời khi kể lại chuyện xưa chính là minh chứng cho một thời thanh xuân sôi nổi, đầy nhiệt huyết.
Chia tay những người đi xây hồ Kẻ Gỗ, tôi ngược dòng thời gian về trên con đường nhựa thẳng tắp, xuyên qua những xóm làng trù phú. Dòng nước mát lành từ hồ vẫn lặng lẽ xuôi về khắp miền quê Hà Tĩnh, như một lời nhắc nhớ về những con người đã cống hiến tuổi trẻ để viết nên trang sử vẻ vang, để hôm nay, đất nước được hưởng thành quả ngọt lành. Tôi chợt nhận ra rằng, những công trình không chỉ được xây dựng bằng mồ hôi, công sức, mà còn bằng cả trái tim, bằng tình yêu quê hương và niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng.
Văn Tuân